Theo truyền thông sở tại, phát biểu trong cuộc họp với ông Denis Logunov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh Gamaleya, Tổng thống Putin cho biết ông đã tiêm hai mũi vaccine Sputnik V vào tháng 4 và 6/2021. Dựa trên khuyến nghị của Trung tâm Gamaleya và giới chuyên môn, nhà lãnh đạo Nga đã tiêm liều tăng cường bằng một loại vaccine khác, đó là Sputnik Light.
Cũng tại cuộc họp trên, Phó Giám đốc Logunov nêu rõ hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm sau 6-8 tháng từ lúc tiêm, do đó ông kêu gọi người dân Nga tiêm mũi tăng cường để duy trì khả năng miễn dịch của cơ thể.
Được phát triển dựa trên vaccine Sputnik V, vaccine Sputnik Light đạt hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đơn cử như đạt hiệu quả phòng bệnh đến 70% trước biến thể Delta. Vaccine này cũng không gây tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm.
Cùng ngày, Thủy quân lục chiến Mỹ ra tuyên bố nêu rõ tỷ lệ tiêm chủng của lực lượng này thấp nhất trong số các lực lượng vũ trang khác của Mỹ, với hàng nghìn quân nhân không thể hoàn tất việc tiêm phòng vào thời hạn chót ngày 28/11 tới.
Theo hãng tin Reuters của Anh, tuyên bố nhấn mạnh tính đến ngày 24/11 tới, sẽ có khoảng 91% lính thủy đánh bộ Mỹ được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 và 95% đã tiêm ít nhất một mũi.
Nhân sự của lực lượng này được coi là tiêm phòng đầy đủ trong 14 ngày sau khi tiêm vaccine của hãng Johnson & Johnson loại một mũi hoặc 14 ngày sau khi tiêm mũi thứ hai vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech hoặc Moderna.
Trái lại, Hải quân hiện là lực lượng đạt tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng cao nhất trong các lực lượng vũ trang Mỹ với 96,7% quân nhân tại ngũ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Kế đến là Không quân với tỷ lệ 96,4%.
Trong khi đó, một người phát ngôn của Lục quân Mỹ cho biết 92% quân nhân tại ngũ thuộc lực lượng này đã được tiêm phòng đầy đủ. Thời hạn chót để Lục quân Mỹ hoàn tất tiêm chủng là ngày 15/12 tới đối với quân nhân tại ngũ và ngày 30/6/2022 đối với Lực lượng Vệ binh quốc gia.