Trong một thông báo, Văn phòng Báo chí Nội các Armenia cho biết: "Ông Pashinyan và ông Putin đã thảo luận về tình hình ở Kazakhstan cũng như tiến triển trong việc thực thi những hành động chung trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO)".
Trước đó, Thủ tướng Pashinyan, người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng tối cao CSTO, đã quyết định cử các lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan.
Biểu tình bạo loạn đã leo thang ở nhiều khu vực của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Bất ổn an ninh đã buộc Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan. Trước tình hình bạo lực leo thang mà nguyên nhân được cho là do các phần tử khủng bố đứng đằng sau, Tổng thống Tokayev tối 5/1 đã phải đề nghị sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên CSTO. Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng các băng nhóm khủng bố hoạt động ở nước này đã được đào tạo ở nước ngoài và do đó có thể coi là khủng bố quốc tế.
Về tình hình ở Kazakhstan, cùng ngày 7/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Kazakhstan nhằm xoa dịu căng thẳng ở trong nước. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Bắc Kinh cực lực lên án bất kỳ thế lực bên ngoài nào kích động bạo lực và gây bất ổn xã hội ở quốc gia Trung Á này. Ông Uông Văn Bân cho biết Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực có thể giúp Chính phủ Kazakhstan sớm giải quyết tình hình và sẵn sàng hỗ trợ nước này vượt qua khó khăn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày bày tỏ quan ngại về tình hình Kazakhstan đồng thời cho biết ông sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến ở quốc gia Trung Á.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Christane Hoffmann kêu gọi tất cả các bên tại Kazakhstan giảm leo thang căng thẳng và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay.