Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25/11 đã lên tiếng bảo vệ cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với vấn đề Iran, khẳng định rằng chỉ "đàm phán cứng rắn" sẽ không đảm bảo cho an ninh toàn cầu.Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters |
Phát biểu về thỏa thuận mang tính bước ngoặt đạt được ở Geneva hồi cuối tuần qua liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, Tổng thống Obama khẳng định chính sách kết hợp ngoại giao và trừng phạt của Washington cho tới nay đã chứng tỏ có hiệu quả và lần đầu tiên trong suốt một thập kỷ, cộng đồng quốc tế đã thành công trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.
Ông cũng nhấn mạnh tình hình hiện tại vẫn còn nhiều thách thức, do đó các nước cần duy trì nỗ lực ngoại giao cũng như tiếp tục theo đuổi một giải pháp hòa bình cho vấn đề mang tính quốc tế này. Ông còn nói rõ đàm phán cứng rắn cũng như đe dọa không mang lại lợi ích cho an ninh nước Mỹ cũng như toàn cầu.
Trong khi đó, Thượng viện Mỹ cùng ngày đã gửi đi một tín hiệu tích cực về tiến trình đàm phán hạt nhân Iran. Phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid cho biết Thượng viện sẽ không vội vàng trong việc bổ sung các biện pháp trừng phạt Iran.
Theo ông Reid, Thượng viện sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề và có thể tổ chức các phiên điều trần trước khi đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào. Sẽ có một cuộc thảo luận giữa ông Reid với một số nhân vật cấp cao trong chính quyền Mỹ sau khi Thượng viện trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn bắt đầu từ ngày 9/12. Trước đó, Nhà Trắng và chính phủ Iran từng cảnh báo hành động vội vàng của Quốc hội Mỹ có thể phá hỏng tiến trình đàm phán.
Trong một động thái liên quan, ngày 25/11, người phát ngôn chính phủ Iran Mohammad Baqer Nobakht xác nhận chính quyền Mỹ đã dỡ bỏ phong tỏa tài sản trị giá 8 tỷ USD của Iran sau khi nước này và nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc) đạt được thỏa thuận bước đầu về chương trình hạt nhân tại Geneva.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng sẽ ra quyết định nới lỏng trừng phạt Iran sau khi tiến hành thảo luận vào tháng tới.
Bên cạnh việc thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân Iran, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây cũng nỗ lực xoa dịu quan ngại từ phía Israel, một quốc gia đồng minh của họ cho tới nay vẫn lên tiếng chỉ trích gay gắt tiến trình đàm phán với Iran. Truyền thông Israel ngày 25/11 dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết ông Obama muốn bắt đầu tham vấn với Israel ngay trước các cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới.
Dự kiến, các quan chức Mỹ và Israel sẽ có các chuyến thăm lẫn nhau trong vài ngày tới. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu xác nhận ông đã cử Cố vấn an ninh quốc gia Yossi Cohen tới Washington để bàn về thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tại châu Âu, Ngoại trưởng Anh William Hague cảnh báo Israel cần tránh bất cứ hành động nào có thể làm phương hại thỏa thuận hạt nhân tạm thời giữa Iran và nhóm P5+1. Phát biểu trước Quốc hội Anh, ông Hague đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới tạo cho thỏa thuận tạm thời này một cơ hội. Ông khẳng định việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến phản đối thỏa thuận này là điều quan trọng song, theo ông, Israel và các nước khác cũng cần hạn chế sự chỉ trích của họ.
Trong khi đó, phát biểu tại Jerusalem, đại sứ EU tại Israel Lars Faaborg-Andersen khẳng định 28 nước coi EU luôn coi an ninh của Israel là "lợi ích trọng tâm".
Sáng 24/11, Iran và nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc) đã đạt được thỏa thuận bước đầu về chương trình hạt nhân, theo đó, Iran sẽ ngừng làm giàu urani trên mức 5% trong vòng 6 tháng để đổi lại được Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay sau đó đã lên tiếng cho rằng thỏa thuận trên là một “sai lầm lịch sử".
TTXVN/Tin tức