Tổng thống đương nhiệm B.Obama. Ảnh: TTXVN |
Đó là thông điệp cảnh báo được Tổng thống đương nhiệm Obama mới đây chuyển đến nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo ông Obama, chính phủ Mỹ cần phải theo đuổi chính sách "kiên nhẫn chiến lược" trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên và chờ đợi nhà lãnh đạo Kim Jong Un thực hiện cam kết từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.
Các quan chức của chính phủ Mỹ thời ông Obama hay ông Donald Trump đều rất lo lắng trước tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt là các bước đi cứng rắn của nước này trong việc nâng cao khả năng sản xuất tên lửa đạn đạo. Vấn đề này đòi hỏi Mỹ phải có chiến lược tích cực hơn.
"Chỉ cần chúng ta nơi lỏng, tiếp tục để Bình Nhưỡng lấn tới, chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả, điều đó không thể chấp nhận được", tướng về hưu Michael Mullen, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân trong chính quyền Tổng thống Barack Obama cảnh báo.
Theo tờ The Wall Street Journal, việc đưa ra một chiến lược nhằm ngăn chặn Triều Tiên là vô cùng phức tạp do nó bị tác động bởi quá trình chuyển giao quyền lực tại Mỹ hiện nay và sự bất ổn ở các quốc gia khác bao gồm cả Mỹ và đồng minh Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, áp lực đang đè nặng lên vai Tổng thống Park Geun-hye khi
dư luận nước này liên tục yêu cầu bà phải từ chức sau những bê bối chính trị vừa
qua.
Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia có ảnh hưởng lớn đối với Triều Tiên. Bắc Kinh bất đắc dĩ phải gây sức ép với Triền Tiên, song họ cũng lo ngại nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng người tị nạn trên tuyến biên giới giữa hai nước.
Việc chuyển giao Tổng thống Mỹ có thể làm đảo lộn quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Một số quan chức Mỹ cho rằng nếu ông Trump tiếp tục coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và áp thuế nặng đối với hàng hóa của nước này, thì có thể phía Trung Quốc sẽ có những tác động gây khó khăn cho quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Theo nhận định của giới chức Mỹ và Trung Quốc, Bình Nhưỡng đang phát triển cả hai chương trình hạt nhân bằng việc sản xuất plutoni tại cơ sở hạt nhân Yongbyon và làm giàu urani tại cơ sở bí mật dưới lòng đất. Triều Tiên đang thực sự trở thành mối đe dọa khi nước này tiến hành chương trình chế tạo tên lửa đẩy tiên tiến. Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm các loại tên lửa tầm xa. Các thông tin tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên gần đạt tới trình độ làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.
Sự lựa chọn dành cho chính quyền của ông Trump là rất ít. Để có được sự hợp tác của Trung Quốc trong chiến lược chung nhằm ngăn chặn Triều Tiên, dư luận Mỹ cho rằng, chính quyền của ông Trump có thể phải chứng minh rằng họ đang cố gắng bằng các bước đi ngoại giao trước khi tiếp tục tạo áp lực.
Bước tiếp theo Mỹ có thể làm là gia tăng sức ép kinh tế đối với Triền Tiên. Tuy nhiên bước lớn nhất mà một số quan chức Mỹ cho rằng sẽ được Trung Quốc chấp nhận đó là cắt giảm sản lượng nhập khẩu than đá của Triều Tiên. Đây là một trong những lĩnh vực lớn nhất mà Triều Tiên dựa vào để thu ngoại tệ.
Tuy nhiên lệnh trừng phạt của Mỹ đang có những khó khăn nhất định. Thứ nhất, nền kinh tế Triều Tiên tách biệt với kinh tế thế giới, do đó so với Iran, Triều Tiên ít bị tác động hơn khi gánh chịu một lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân của mình. Thứ hai, lệnh trừng phạt kinh tế càng phát huy hiệu quả, Triều Tiên lại càng cần đến Trung Quốc.
Từ những lý do trên, ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ nhấn mạnh: “Nếu không có sự hợp tác của Bắc Kinh, rất ít cơ sở để tin tưởng rằng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Mỹ sẽ phát huy hiệu quả”. “Tôi nghĩ rằng chính quyền của ông Trump vẫn còn thời gian, nhưng phải nhanh chóng đưa ra chiến lược hợp lý”.