Ngày 17/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký đưa vào thực hiện kế hoạch chuẩn chi ngân sách cho tài khóa 2014, chính thức đặt dấu chấm hết cho nguy cơ đóng cửa chính phủ một lần nữa.Ông Obama đặt bút ký ban hành luật ngân sách 2014. Ảnh: AP |
Đạo luật chuẩn chi ngân sách mà Tổng thống Obama vừa ký là một văn bản thỏa hiệp chính trị giữa các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa nắm đa số tại Hạ viện và đảng Dân chủ giữ quyền kiểm soát tại Thượng viện. Bản kế hoạch dày 1.582 trang này được thông qua dựa trên cơ sở thỏa thuận đạt được trong tháng 12/2013, theo đó lưỡng viện quốc hội Mỹ nhất trí giữ mức trần chi tiêu ngân sách cho hai tài khóa 2014 và 2015 đều ở mức trên 1.000 tỷ USD.
Ngoài ra, đạo luật chuẩn chi ngân sách 2014 cho phép chính phủ Mỹ dành 520,5 tỷ USD cho quốc phòng và 491,8 tỷ USD cho các bộ ngành, tăng 22 tỷ USD so với tài khóa trước. Đạo luật cũng bao gồm một số ưu tiên như tăng 1 tỷ USD ngân sách cho chương trình giáo dục tiền học đường cho trẻ em nghèo; 85,2 tỷ USD cho cuộc chiến tại Afghanistan, giảm 2 tỷ USD do rút bớt quân. Tuy nhiên, kế hoạch này không tăng ngân sách cho các dự án đường sắt cao tốc mà Nhà Trắng đề xuất cũng như liên quan đến việc cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) như yêu cầu của phe Cộng hòa. Trong khi đó, ngân sách của Bộ Y tế sẽ bị cắt giảm 1 tỷ USD để chi cho chương trình ObamaCare. Bên cạnh đó, đạo luật chuẩn chi 2014 quy định tăng 1% lương cho các nhân viên dân sự liên bang và binh lính.
Việc quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch chuẩn chi ngân sách 1.112 tỷ USD cho tài khóa 2014 được coi là một bước tiến quan trọng, giúp chính phủ liên bang tránh phải đóng cửa một lần nữa như đã từng xảy ra trong 16 ngày đầu tháng 10 năm ngoái, cũng như tạm khép lại cuộc tranh cãi kéo dài hơn 4 năm qua xung quanh chính sách chi tiêu và cắt giảm thâm hụt ngân sách.
TTXVN/Tin tức