Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 29/11 khẳng định, chính phủ các nước châu Âu có đủ khả năng tài chính, do vậy phải sớm tìm cách tự cứu mình chứ không nên trông chờ vào các khoản hỗ trợ tài chính từ Oasinhtơn.
Tổng thống Obama (giữa), Chủ tịch Ủy ban châu Âu J.M. Barroso (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.V.Rompuy (trái) trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 29/11. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) William Kennard cho biết, trong cuộc họp thượng đỉnh thường niên kéo dài một ngày tại Nhà Trắng với các quan chức hàng đầu châu Âu, Tổng thống Obama chỉ cam kết giúp đỡ các nước châu Âu về mặt tư vấn, chứ không đề cập tới bất kỳ phương án hỗ trợ tài chính cụ thể nào, ngay cả sự đóng góp vào quỹ cứu giúp châu Âu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Theo ông Obama, Mỹ sẵn sàng làm hết sức mình và luôn đứng bên cạnh châu Âu trong nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, nhưng trước hết các nhà lãnh đạo châu Âu phải có những hành động tập thể "nhanh chóng hơn, táo bạo hơn và quyết liệt hơn".
Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh nhấn mạnh hai bên sẽ thực hiện "tất cả những bước đi cần thiết" để chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ tại Lục địa Già. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nhấn mạnh, châu Âu có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng và đây là thời điểm then chốt để lục địa này hành động bằng sức mạnh và sự quyết đoán, đặc biệt với các chính phủ mới lên cầm quyền ở Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - EU diễn ra giữa lúc có những mối quan ngại về tương lai của đồng euro và nền kinh tế Mỹ cũng đang gặp không ít khó khăn, nhất là tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao hơn 9%. Một số chuyên gia cho rằng, nếu không sớm có những hành động quyết liệt, việc sụp đổ của đồng euro là không thể tránh khỏi. Đây là một kịch bản mà ngay cả ông Obama cũng phải thừa nhận "nếu châu Âu có khó khăn, nước Mỹ sẽ càng khó khăn hơn trong việc tạo công ăn việc làm".
Trước tình hình tiếp tục lây lan của cuộc khủng hoảng nợ, các nhà lãnh đạo châu Âu có kế hoạch sẽ nhóm họp vào ngày 9/12 tới để thảo luận các hành động tiếp theo. Một phương án được báo chí Mỹ nhìn nhận là quyết liệt đang được tham khảo ý kiến, theo đó chính phủ các quốc gia sử dụng đồng euro sẽ phải nhường phần lớn quyền kiểm soát ngân sách của mình cho một cơ quan trung ương của châu Âu. Đây là một bước đi được kỳ vọng sẽ giúp giữ ổn định châu Âu, nhưng lại bị những người chỉ trích cho là "xâm phạm chủ quyền quốc gia" của từng nước. Năm quốc gia đã và đang bị tác động mạnh nhất của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu là Hy Lạp, Ailen, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia.
Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)