Văn phòng của ông Abbas xác nhận trong một tuyên bố rằng Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã thẳng thừng bác bỏ việc di dời cư dân Gaza khỏi vùng đất của họ trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/10.
Theo bản tóm tắt của Nhà Trắng về cuộc gọi, ông Biden cam kết hỗ trợ các nỗ lực của Chính quyền Palestine nhằm mang đến những hỗ trợ nhân đạo rất cần thiết cho Gaza.
Tổng thống Mỹ tuyên bố chính quyền của ông đã làm việc với Liên hợp quốc, Ai Cập, Jordan và Israel “để đảm bảo nguồn cung cấp nhân đạo đến được với dân thường ở Gaza”, mặc dù bản thân Israel đã tuyên bố sẽ không có điện, nước hoặc thực phẩm nào được đưa vào Gaza cho đến khi các con tin bị Hamas bắt giữ vào 7/10 được trao trả.
Tổng thống Abbas cũng nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng ông “phản đối việc cưỡng bức di dời” người Palestine khỏi Gaza, đồng thời cảnh báo nhà ngoại giao Mỹ trong cuộc gặp hôm 13/10 ở Amman rằng việc thực hiện lệnh sơ tán của Israel khỏi phía Bắc Gaza sẽ dẫn đến “một Nakba thứ hai” - ám chỉ việc Israel loại bỏ 750.000 người Palestine khỏi vùng đất của họ bằng vũ lực từ năm 1947 đến năm 1948.
"Sự kiện Nakba" (Nakba có nghĩa là "Thảm họa") bắt đầu vào ngày 15/5/1948, chỉ 1 ngày sau ngày thành lập Nhà nước Israel, khi những dòng người Palestine bắt đầu rời khỏi nhà cửa của mình ở miền Bắc đất nước. Nó cũng đánh dấu cuộc xung đột đầu tiên giữa những người Israel và cộng đồng Arab, hay còn được biết tới là Chiến tranh Arab-Israel lần thứ nhất. Trong giai đoạn này, hơn 750.000 người Palestine đã bị trục xuất hoặc rời khỏi nhà của họ, bỏ lại phía sau là đống đổ nát của 530 ngôi làng và thị trấn bị lực lượng dân quân phục quốc Do Thái và quân đội Israel phá hủy. Hầu hết số người Palestine này đã phải sống như những người tị nạn tha hương ở các quốc gia láng giềng.
Cũng trong ngày 14/10, Tổng thống Biden đã trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cam kết hỗ trợ vật chất hơn nữa cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF, quân đội Israel) và nói với Thủ tướng rằng cần có “sự đoàn kết và quyết tâm” để đạt được các mục tiêu chiến đấu của Israel. Ông Netanyahu đã cảm ơn người đồng cấp Mỹ - theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.
Washington đã nhiều lần cam kết ủng hộ hành động trả đũa quy mô lớn của Israel đối với cuộc tấn công của Hamas vào cuối tuần trước, khiến 1.800 người Israel thiệt mạng. Chiến dịch ném bom của Israel - nặng nề nhất trong lịch sử Gaza - đã giết chết hơn 1.900 người Palestine và khiến hơn 430.000 cư dân của vùng lãnh thổ này phải di dời.
Hôm 12/10 Israel đã ra lệnh cho 1,1 triệu cư dân ở phía Bắc Gaza sơ tán và đã gửi quân đội tới để xua đuổi những người còn sót lại. Lệnh này đã bị Liên hợp quốc và các nhà quan sát nhân quyền quốc tế khác chỉ trích, cho rằng nó cấu thành hành vi thanh lọc sắc tộc trầm trọng hơn. Tuy nhiên, Washington và nhiều đồng minh châu Âu khẳng định hành động của Israel là tự vệ chính đáng.
Ngày 13/10, Ai Cập cho biết họ đang tạo điều kiện cho các chuyến bay viện trợ quốc tế cho Gaza tại Sân bay Quốc tế El-Arish ở phía Bắc Sinai, Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cung cấp cứu trợ cho người Palestine đang bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa quân sự của Israel.
Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố nói rằng: “Ai Cập yêu cầu Israel không tấn công phía Palestine tại cửa khẩu biên giới để các nỗ lực sửa chữa và tái thiết hoàn tất và cho phép khu vực này hoạt động như một trạm kiểm soát và huyết mạch cho anh em Palestine”.
IDF đã thả bom và cắt nước, điện tại khu vực đông dân cư của người Palestine, được cho là khiến người dân lâm vào cảnh tuyệt vọng về lương thực, nhiên liệu và thuốc men. Quân đội cho biết lệnh phong tỏa sẽ được duy trì cho đến khi Hamas thả hơn 100 con tin bị bắt trong cuộc tấn công đẫm máu 7/10.