Ngày 25/4, tại cuộc họp báo lớn đầu tiên kể từ khi phong trào biểu tình Áo Vàng nổ ra tháng 11/2018, ông Macron đã công bố loạt biện pháp chính sách nhằm xoa dịu người biểu tình, trong đó có đề xuất sửa đổi chính sách nhập cư toàn châu Âu và Hiệp ước Schengen.
Theo hãng RT, nhà lãnh đạo Pháp lập luận hiệp ước đảm bảo hoạt động đi lại tự do trong khu vực Schengen đã không còn phù hợp. Tương tự, theo ông, Chính sách tị nạn chung châu Âu hay còn gọi là Quy chế Dublin hiện nay nhằm xác định quốc gia thành viên EU nào phải chịu trách nhiệm tiếp nhận người xin tị nạn cũng không hiệu quả.
Quy chế Dublin cho phép một nước thành viên EU gửi trả người xin tị nạn cho đất nước đầu tiên mà họ đến khi vào EU. Điều luật này đã được Tòa án Công lý Châu Âu phê duyệt năm 2017. Theo phiên bản hiện nay của quy chế – đi vào hiệu lực từ năm 2013, áp dụng với tất cả nước thành viên EU trừ Đan Mạch – tiêu chí chính để xác định trách nhiệm chính là điểm tiếp nhận đầu tiên.
Tổng thống Pháp kêu gọi tăng cường an ninh biên giới, trong đó có thể dẫn đến một khu vực Schengen với ít thành viên hơn. Khu vực Schengen hiện nay bao gồm 26 nước, trong đó có 22 nước thành viên EU và 4 nước không thành viên: Na Uy, Iceland, Thụy Sĩ và Liechtenstein. Nó được đặt tên theo Hiệp ước Schengen năm 1985, quy định bãi bỏ biên giới nội bộ, cho phép người dân trong khu vực được đi lại tự do từ nước này sang nước khác.
Ông Emmanuel Macron cho biết ông hình dung về “một châu Âu đảm bảo các đường biên giới, có quyền tị nạn chung và đầy đủ cơ sở, nơi trách nhiệm gắn liền với đoàn kết".
Đã xuất hiện những lời kêu gọi sửa đổi Quy chế Dublin kể từ khi cuộc khủng hoảng tị nạn và di cư tại châu Âu năm 2015 dẫn đến tình trạng xử lý tồn động và đặt gánh nặng không cân xứng lên các nước EU phía Nam.
Trong khi quy chế này vẫn còn hiệu lực, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá điều luật này đã bị lỗi thời. Năm 2016, EC đề xuất cải cách Hệ thống Dublin, bao gồm "cơ chế phân bổ chính xác" nhằm đảm bảo tất cả các quốc gia tiếp nhận người nhập cư một cách công bằng.