Mỹ và Pháp kêu gọi gia tăng trừng phạt chống Nga sau khi xuất hiện thông tin liên quan đến cáo buộc ở Bucha, Ukraine. Trả lời phỏng vấn trên đài Inter radio ngày 4/4, Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng những gì diễn ra ở Bucha đặt ra yêu cầu cần áp đặt vòng trừng phạt mới cũng như các biện pháp rất rõ ràng. Pháp sẽ phối hợp với các đối tác châu Âu trong vấn đề này, nhất là Đức – ông Macron cho biết.
Tổng thống Pháp cũng nhận định rằng cần thúc đẩy cấm vận dầu mỏ, than đá nhằm vào Nga. Tuy nhiên, ông không đề cập khả năng cấm nhập khẩu khí đốt của Nga - nguồn năng lượng thiết yếu đối với Đức, Italy và một số quốc gia Đông Âu.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner ngày 4/4 cũng tuyên bố cần bàn bạc mọi lựa chọn cấm vận chống Nga, nhưng thừa nhận trừng phạt nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ gây nguy hại lớn cho Đức. “Chúng ta cần phân biệt rõ sự khác biệt giữa dầu mỏ, khí đốt và than đá, bởi thời hạn thay thế là khác nhau. Nhưng rõ ràng cần phải cắt đứt mọi liên kết kinh tế với Nga càng sớm càng tốt”, ông Lindner nói.
Theo một nhà ngoại giao châu Âu, Đức tại thời điểm hiện nay dường như không thể đi xa hơn trong áp trừng phạt dầu mỏ, than đá nhằm vào Nga. Berlin vẫn theo đuổi cách tiếp cận hành động cân bằng, có cân nhắc giữa lợi ích kinh tế của Đức với phản ứng phù hợp của châu Âu.
Đại diện các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ thảo luận về gói trừng phạt mới chống Nga trong ngày 6/4. EU, dưới quyền chủ tịch luân phiên của Pháp, cho đến thời điểm này vẫn bảo lưu quan điểm chưa cấm vận nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá, vốn là nguồn nhiên liệu mà nhiều nước thành viên chịu phụ thuộc lớn vào Nga.
Một số nước EU đã cho công bố kế hoạch giảm mạnh tiêu thụ, nhập khẩu hàng hóa của Nga trong thời gian tới. Tuy nhiên, Đức – đầu tàu kinh tế của EU, vẫn phản đối việc tức thời dừng nhập khẩu các mặt hàng nhiên liệu từ Nga, do không có được nguồn cung thay thế trong ngắn hạn. Chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz đặt mục tiêu chấm dứt nhập khẩu than đá và dầu thô từ Nga lần lượt vào cuối mùa hè và cuối năm nay, nhưng xác định vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga đến giữa năm 2024.
Nga trung bình mỗi ngày xuất khẩu khoảng 8 triệu thùng dầu thô, khí ngưng tụ và xăng dầu thành phẩm ra thị trường thế giới, trong đó có khoảng 4,5 triệu thùng xuất sang châu Âu. Nga cũng là nhà cung ứng than đá lớn cho EU, chiếm khoảng 70% tổng nhập khẩu của khu vực này, tương đương với 36 triệu tấn trong năm 2021. 90% nhu cầu khí đốt của EU phải nhập khẩu, với Nga chiếm khoảng 50% trong số này, tương đương với 155 tỉ m3.
Tình hình Bucha đang nổi lên là điểm nóng mới trong đối đầu giữa Ukraine, phương Tây với Nga. Tổng thống Mỹ ngày 4/4 lần đầu tiên lên tiếng về cáo buộc giết hại dân thường xảy ra ở Bucha, cam kết sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cùng ngày cho biết quân đội Mỹ không thể xác nhận một cách độc lập những thông tin của Ukraine về các hành động vũ lực của quân đội Nga nhằm vào dân thường tại thị trấn Bucha của Ukraine, song cũng chưa có cơ sở lý do gì để bác bỏ những thông tin này.
Về phần mình, Nga kiên quyết bác bỏ những cáo buộc “sát hại dân thường” tại Bucha. Hãng tin Interfax ngày 4/4 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết Moskva “thực sự nghi ngờ” những báo cáo, thông tin mà Ukraine và phương Tây công bố nhằm quy trách nhiệm cho Nga. “Với những gì xem được, chất liệu video phần lớn không đáng tin. Các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Nga đã phát hiện ra một số dấu hiệu video chỉnh sửa, video giả tạo”, ông Peskov nói.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày cũng khẳng định vụ việc mà Ukraine nói là đã xảy ra ở thị trấn Bucha là một “cuộc tấn công giả”, nhằm mục đích phá hoại Nga. Hãng tin TASS dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov cho rằng những thi thể này đã được “dàn dựng”, rồi sau đó hình ảnh và cáo buộc sai lệch của Kiev đã được truyền thông Ukraine và phương Tây lan truyền trên mạng xã hội.