Tổng thống Macron đã ký ban hành luật hưu trí sửa đổi vào ngày 15/4, theo đó tăng tuổi nghỉ hưu của công dân Pháp từ 62 lên 64 tuổi. Việc ký ban hành luật được thực hiện một ngày sau khi Hội đồng Hiến pháp của Pháp thông qua các phần chính trong dự luật, trong khi bác bỏ một số phần khác. Đây được xem là một chiến thắng cho ông Macron, song các nhà phân tích cho rằng tổng thống 45 tuổi này cũng phải trả giá đắt về mức tín nhiệm, khi các cuộc biểu tình bạo lực gây đình trệ nhiều hoạt động ở Pháp trong nhiều tháng qua.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng sau khi ký ban hành luật hưu trí sửa đổi, Tổng thống Macron nhấn mạnh cải cách hệ thống hưu trí là cần thiết để thực hiện công bằng xã hội. Ông cũng khẳng định chính phủ sẵn sàng đàm phán với các nghiệp đoàn để giải quyết những khúc mắc liên quan vấn đề này.
Khi Tổng thống Macron phát biểu tại Điện Elysee ở thủ đô Paris, hàng nghìn người đã tập trung bên ngoài các tòa thị chính trên khắp cả nước để phản đối. Sau khi ông Macron kết thúc bài phát biểu, dòng người biểu tình đã đổ xuống đường phố Paris. Một số người biểu tình quá khích đã đốt các thùng rác, buộc cảnh sát phải bắn hơi cay để giải tán. Giới chức Paris cho biết khoảng 2.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình ở thủ đô. Trong khi đó, biểu tình bạo lực cũng diễn ra ở thành phố Lyon và nhiều thành phố lớn khác ở Pháp.
Đầu năm nay, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã công bố chi tiết kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, theo đó nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030, cũng như áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu. Cũng theo kế hoạch này, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ. Kể từ đó đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình và đình công thu hút nhiều người tham gia. Hầu hết các cuộc biểu tình đều diễn ra trong hòa bình, nhưng tình hình trở nên căng thẳng hơn khi chính phủ vận dụng một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp để thông qua dự luật tại Hạ viện mà không cần các nghị sĩ bỏ phiếu hồi trung tuần tháng trước.