Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu ngày 17/4, Tổng thống Macron dù thừa nhận thực tế trên, song vẫn cho rằng việc liên quân Mỹ - Anh - Pháp tiến hành các cuộc không kích là điều "quan trọng". Ông nhấn mạnh hoạt động này được triển khai theo một cơ chế đa phương hợp pháp, cũng như theo cách thức tấn công trúng mục tiêu mà không gây thương vong, qua đó phá hủy 3 cơ sở được cho là nơi sản xuất hoặc tàng trữ các vũ khí hóa học tại Syria.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Pháp lo ngại "nhiều khả năng" bằng chứng đã biến mất khỏi hiện trường vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma ở Syria trước khi các thanh sát viên quốc tế tiếp cận khu vực này.
Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ "cho tới hôm nay, Nga và Syria vẫn từ chối cho các thanh sát viên tiếp cận hiện trường. Nhiều khả năng bằng chứng và những chi tiết quan trọng đã biến mất".
Tuy nhiên, trước đó, ngày 16/4, ngay sau tuyên bố tương tự của phái đoàn Anh tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) về việc "Nga và Syria vẫn chưa cho phép các điều tra viên tiếp cận Douma", Điện Kremlin khẳng định cáo buộc trên là "vô căn cứ", đồng thời nhấn mạnh Moskva luôn ủng hộ việc tiến hành một cuộc điều tra công bằng. Moskva cũng cho rằng việc Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria là động thái mới nhất vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời coi đây là "hành động gây hấn".
* Cũng trong ngày 17/4, hàng trăm người tại thủ đô London của Anh đã tập trung bên ngoài Tòa nhà Quốc hội nước này nhằm phản đối các cuộc không kích Syria có sự can dự của quân đội Anh.
Đoàn người biểu tình hô vang khẩu hiệu "Ngừng đánh bom Syria" tại thời điểm Thủ tướng Anh Theresa May đang điều trần trước Quốc hội, giải thích lý do không triệu tập họp để tham vấn Quốc hội trước khi tự ý quyết định việc Anh tham gia không kích Syria cuối tuần qua.
Những người biểu tình cho rằng với quyết định trên, Chính phủ Anh đang khiến tình hình khu vực trở nên bất ổn hơn, nguy hiểm hơn, cũng như khoét sâu thêm xung đột giữa Nga và phương Tây.
* Trong một diễn biến cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ sớm có cuộc gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladmir Putin để thảo luận về cuộc xung đột tại Syria, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm ra một giải pháp chính trị để giải quyết tình hình tại quốc gia Trung Đông này.
Ngày 14/4 vừa qua, Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành cuộc không kích Syria với lý do đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma cách đó một tuần. Nga và Syria đã nhiều lần bác bỏ thông tin về vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, cho rằng vụ việc là một kế hoạch được dàn dựng từ trước của phương Tây để tiếp tục can thiệp vào quốc gia Trung Đông này.
Người dân tại chính Syria và nhiều quốc gia trên thế giới, như Mỹ, Hy Lạp, CH Cyprus... đã cực lực lên án vụ không kích, đồng thời yêu cầu 3 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trên ngừng các hành động hủy hoại đất nước Syria như từng làm đối với Iraq khi Mỹ thực hiện cuộc tấn công quốc gia vùng Vịnh này hồi năm 2003.