Theo thông báo của Điện Elysee, ngày 29/6, Thủ tướng Merkel sẽ tiếp ông Macron tại lâu đài Meseberg ở phía Bắc thủ đô Berlin trước khi hai nhà lãnh đạo tiến hành họp báo chung và cùng dùng bữa tối làm việc. Nội dung nghị sự được dự kiến gồm nhiều vấn đề, trong đó có quỹ trị giá 750 triệu euro (khoảng 840 triệu USD) nhằm giúp nền kinh tế châu Âu hồi phục sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chuyến thăm này diễn ra trước khi Đức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU trong nửa cuối năm 2020 và trong bối cảnh liên minh đang đứng trước một loạt thách thức như tương lai quan hệ chưa rõ ràng với Anh, việc chuyển sang một thế giới cân bằng với lượng khí thải thấp, mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên xấu đi, đại dịch COVID-19 và tác động của nó đối với nền kinh tế EU...
Trước đó, phát biểu tại quốc hội khi trình bày những ưu tiên của Đức trong vai trò Chủ tịch EU, Thủ tướng Merkel nêu rõ: "Cuộc khủng hoảng (COVID-19) không giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác mà chúng ta đã trải qua kể từ khi thành lập EU. Chỉ riêng tại châu Âu, dịch bệnh đã cướp đi hơn 100.000 sinh mạng, hoạt động kinh tế đình trệ chỉ trong vài tuần cũng đủ trở thành mối đe dọa tới những thành tựu mà chúng ta gây dựng được trong nhiều năm qua".
Các nước thành viên EU đang rất trông cậy vào Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, thể hiện bản lĩnh của mình khi giải quyết những thách thức trong vai trò chủ tịch của liên minh.
Phát biểu trên tờ Handelsblatt số ra ngày 27/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nêu rõ: "Rất may mắn là Đức tiếp quản chủ tịch EU vào thời điểm xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn". Bà nhấn mạnh kinh nghiệm và sự tín nhiệm cao mà Thủ tướng Merkel có được sẽ mang lại lợi ích to lớn cho EU trong giai đoạn khó khăn này.
Theo giới quan sát, Đức sẽ có một nhiệm kỳ Chủ tịch EU không hề dễ dàng vì đây là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất trong lịch sử liên minh kể từ khi thành lập năm 1993. Nước Đức phải vượt qua rất nhiều thách thức để “Cùng đưa châu Âu mạnh mẽ trở lại”.