Theo tờ Politico, trong vòng vài giờ sau khi đặt chân đến Trung Quốc ngày 5/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm rõ một trong những mục tiêu chính trong chuyến thăm của ông: đảm bảo Trung Quốc đóng một vai trò trong việc thúc đẩy hòa bình ở Ukraine.
“Trung Quốc, với mối quan hệ thân thiết với Nga, vốn đã được tái khẳng định trong những ngày gần đây, có thể đóng một vai trò quan trọng”, ông Macron phát biểu trước đại diện cộng đồng Pháp ở Bắc Kinh.
Khi đề cập đến kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc được công bố vào tháng 2, nhà lãnh đạo Pháp nêu vấn đề: “Chúng ta có đồng ý với mọi điểm (trong kế hoạch của Trung Quốc) không?” và trả lời luôn là “không”. Tuy nhiên, ông Macron cho rằng kế hoạch này "thể hiện ý chí đóng một vai trò có trách nhiệm và cố gắng xây dựng một con đường dẫn đến hòa bình".
Trên thực tế, quan điểm lạc quan của Tổng thống Macron rằng châu Âu nên hợp tác với Trung Quốc để tìm giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine đã vấp phải những cảnh báo từ châu Âu về sự thân thiện của Trung Quốc với Nga.
“Trung Quốc từ chối lên án hành động gây hấn của Nga, phản ánh tuyên truyền của Nga và hỗ trợ nền kinh tế Nga”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói vào cuối cuộc họp hai ngày của các ngoại trưởng NATO tại Brussels vừa qua, cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm hỗ trợ vũ khí cho Nga sẽ là một “sai lầm lịch sử với những hậu quả nghiêm trọng”.
Sự quyết đoán địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc và vai trò gần gũi của Bắc Kinh với Nga dự kiến là trọng tâm của cuộc gặp ngày 6/4 giữa Tổng thống Pháp Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen - một chuyến thăm đang được theo dõi chặt chẽ ở Washington, nơi chính quyền Tổng thống Biden duy trì một lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Cũng trong bài phát biểu tại Bắc Kinh ngày 5/4, Tổng thống Pháp đã bảo vệ niềm tin của mình rằng châu Âu nên hợp tác với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng ta, những người châu Âu, sẽ sai lầm khi để Nga là quốc gia châu Âu duy nhất nói chuyện với Trung Quốc”.
“Thủ tướng Đức đã đến đây, Thủ tướng Tây Ban Nha cũng đến thăm, bạn lại không muốn đến Trung Quốc sao?”, ông Macron nói.
Nhưng nhà lãnh đạo Pháp lưu ý: “Tôi khiêm tốn thôi. Tôi không ở đây để nói rằng chúng ta sẽ đàm phán hòa bình trong chuyến đi này”.
Tuy vậy, động thái của ông Macron về việc đưa Trung Quốc vào các cuộc thảo luận hòa bình đã vấp phải sự hoài nghi ở phương Tây, đặc biệt khi kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh bị chỉ trích vì không mô tả cuộc xung đột là hành động "xâm lược" như các nước phương Tây vẫn gọi, trong khi lại chỉ trích các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn với Politico, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã nói rõ rằng bất kỳ kế hoạch hòa bình nào do Trung Quốc đề xuất cho phép Nga kiểm soát bất kỳ lãnh thổ nào của Ukraine - bao gồm cả Crimea - đều là một sự thất bại.
“Tôi đã nói điều đó với người đồng cấp Trung Quốc, đặc biệt là bộ trưởng ngoại giao, rằng có một điều thực sự là nền tảng chung cho chính sách đối ngoại của các bạn và chính sách đối ngoại của chúng tôi, đó là nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ”, Ngoại trưởng Kuleba nói và nhấn mạnh: “Vì vậy, bất cứ điều gì các bạn có thể làm để khôi phục hòa bình mà tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các đường biên giới được quốc tế công nhận, thì đều được hoan nghênh. Mọi khái niệm hòa bình dựa trên một nguyên tắc khác sẽ bị bác bỏ.”
Tương tự, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nói với Politico bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO rằng mặc dù có “những yếu tố nhất định” trong kế hoạch của Trung Quốc được Anh ủng hộ, nhưng London muốn thấy Trung Quốc “làm tốt những tuyên bố đó và thực sự nỗ lực hướng tới việc yêu cầu Nga cũng tôn trọng những điều đó”.