Bình luận trên của ông Macron ngay lập tức bị các nhà phê bình lên án là tiết lộ quá nhiều thông tin.
Phát biểu với đài truyền hình France 2 hôm 12/10, Tổng thống Macron cho biết Pháp có một học thuyết hạt nhân được xác định rõ ràng dựa trên các lợi ích cơ bản của quốc gia.
Ông nói: “Những điều này đã được xác định rõ ràng và sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp nếu như xảy ra một vụ tấn công tên lửa hạt nhân ở Ukraine".
Cùng ngày, Tổng thống Macron cũng tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng Pháp không mong muốn một cuộc chiến tranh thế giới mới nổ ra.
Quan chức cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm 13/10 cho biết bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào chống lại Ukraine đều sẽ dẫn đến “câu trả lời mạnh mẽ” từ phương Tây, khiến quân đội Nga bị hủy diệt. Tuy nhiên, quan chức trên thừa nhận đó sẽ không phải là “câu trả lời hạt nhân”.
Vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay Moskva sẽ sử dụng mọi phương tiện nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa. Và phương Tây coi đó là một mối đe dọa hạt nhân trực tiếp.
Kể từ đó, Washington khẳng định không tìm ra dấu hiệu cho thấy Moskva đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ phản ứng như thế nào nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ là vô trách nhiệm nếu ông thảo luận về những gì mình sẽ làm hoặc không làm.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 12/10, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ gửi thêm radar và tên lửa để giúp Ukraine phòng vệ các cuộc tấn công tên lửa của Nga, sau làn sóng không kích vào nhiều thành phố trong tuần này. Paris đã chuyển giao pháo, hệ thống phòng không di động và xe bọc thép hạng nặng cho Kiev.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp thừa nhận rằng đất nước của ông đã không chuyển giao nhiều như phía Ukraine yêu cầu, vì Paris cần tự bảo vệ mình và sườn phía đông của NATO.
Ông Macron cũng kêu gọi người đồng cấp Putin ngừng chiến tranh và quay lại bàn đàm phán để đàm phán với Ukraine.