Theo đài RT (Nga), ông Putin đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Kazakhstan hôm 4/7.
“Chúng ta không thể đơn giản tuyên bố ngừng bắn với hy vọng rằng đối phương sẽ thực hiện một số bước đi tích cực. Chúng ta không thể để đối phương lợi dụng lệnh ngừng bắn này để cải thiện vị trí, tái vũ trang, tăng cường quân đội và chuẩn bị tiếp tục xung đột”, ông nói thêm.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Putin cho biết Moskva và Kiev có thể sử dụng một thỏa thuận tạm thời đạt được trong các cuộc đàm phán tại Istanbul vào đầu cuộc xung đột ở Ukraine làm cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Nhà lãnh đạo Nga đề cập đến dự thảo chính thức được ký kết tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm 2022. Năm ngoái, ông cho biết theo các điều khoản của dự thảo này, Ukraine sẽ cam kết “trung lập vĩnh viễn”, nhận được một số đảm bảo an ninh nhất định và cắt giảm quân đội.
Moskva tuyên bố rằng các cuộc đàm phán đã bị Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson phá hỏng, bởi ông đã khuyên Kiev tiếp tục chiến đấu. Ông Johnson đã phủ nhận cáo buộc trên, tuy nhiên, các nhân viên từng thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận ông có vai trò có ảnh hưởng.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh SCO, ông Putin nhắc lại rằng Nga chưa bao giờ đóng cửa các cuộc đàm phán hòa bình.
“Các thỏa thuận Istanbul không hề mất đi, chúng đã được người đứng đầu phái đoàn đàm phán Ukraine ký tắt. Điều này có nghĩa là Ukraine khá hài lòng với thoả thuận đó”, ông Putin nói, đồng thời cảm ơn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giúp làm trung gian cho thỏa thuận này.
Kiev đã từ chối đàm phán với Moskva kể từ mùa thu năm 2022, sau khi bốn vùng lãnh thổ nước này sáp nhập Nga. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, ông Zelensky cho biết hai bên có thể đàm phán thông qua trung gian.
Tháng trước, ông Putin cho biết Nga sẵn sàng mở các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine nếu nước này rút khỏi Donbass và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Ông nói thêm rằng bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng nên được phương Tây công nhận và mở đường cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Cả Kiev và những nươc ủng hộ phương Tây đều bác bỏ đề xuất này.
Trong khi đó, ông Zelensky đã thúc đẩy “công thức hòa bình” 10 điểm, yêu cầu Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền. Nga đã bác bỏ đề xuất này vì cho rằng xa rời thực tế.