Theo kênh RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/2 cảnh báo khả năng Ukraine gia nhập NATO sẽ gây ra mối đe dọa đối với an ninh châu Âu, vì nó tạo cơ sở cho một cuộc xung đột lớn giữa Moskva và liên minh quân sự này.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hungary, Viktor Orban, ông Putin chỉ rõ rằng, học thuyết nhà nước chính thức của Ukraine bao gồm ý định khôi phục chủ quyền của Kiev đối với bán đảo Crimea, vốn được Nga sáp nhập vào lãnh thổ kể từ năm 2014, và đáng chú ý là bằng “các biện pháp quân sự”.
Ông Putin nói thêm rằng tiềm năng trở thành thành viên NATO sẽ dẫn đến một Ukraine “ngập” vũ khí, khi Kiev được cung cấp quyền tiếp cận các vũ khí tấn công tối tân.
Tổng thống Nga cảnh báo, những diễn biến như vậy có thể thúc đẩy Kiev tiến hành kế hoạch bắt đầu chiến dịch quân sự ở Crimea, và nói thêm rằng Moskva sau đó sẽ có hành động đáp trả, vì bán đảo này đã trở thành một phần lãnh thổ Nga sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3/2014.
Phát biểu tại Moskva ngày 1/2, ông Putin cũng bày tỏ nghi ngờ rằng an ninh của Ukraine là mối quan tâm hàng đầu của Washington. Người đứng đầu Điện Kremlin lập luận rằng Mỹ được thúc đẩy bởi mong muốn “kiềm chế” Nga, và việc khuấy động một cuộc xung đột ở biên giới của Nga có thể cho phép Mỹ và các đồng minh giáng đòn vào Moskva bằng một loạt biện pháp trừng phạt khác sẽ phù hợp với một chiến lược như vậy.
Tổng thống Nga cũng nói rằng Washington cho đến nay đã phớt lờ những lo ngại cơ bản về an ninh của Nga. Ông Putin nhấn mạnh, Moskva rất muốn tránh xảy ra xung đột, nhưng điều đó sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả Nga, được tính đến.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết chính phủ của ông đã xem xét các phản ứng từ Mỹ và NATO đối với những yêu cầu an ninh của ông liên quan vấn đề Ukraine, nhưng rõ ràng là những lo ngại chính của Điện Kremlin “đã bị phớt lờ”.
Trong nhiều tuần qua, ông Putin ít phát biểu công khai về căng thẳng với Ukraine, khi Nga tăng cường hàng chục nghìn quân gần biên giới với Kiev, dấy lên những cáo buộc của phương Tây về một “cuộc xâm lược tiềm tàng”.
Nhưng phát biểu tại cuộc họp báo hôm 1/2 sau cuộc họp kéo dài 5 giờ ở Moskva với Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Putin nói: "Tôi đã thông báo với Thủ tướng [Hungary] về điều này một cách rõ ràng - rằng những lo ngại cơ bản của Nga đã bị phớt lờ. Chúng tôi đã không nhận thấy sự xem xét đầy đủ với ba yêu cầu chính của chúng tôi”.
Ba yêu cầu chính của Nga liên quan đến vấn đề mở rộng NATO, từ bỏ triển khai các hệ thống vũ khí tấn công gần biên giới Nga và đưa các cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở châu Âu trở lại trạng thái năm 1997, Nga và NATO ký kết Đạo luật Sáng lập về An ninh, Hợp tác và Mối quan hệ qua lại.
Ông Putin cũng cáo buộc Mỹ trực tiếp âm mưu "lôi kéo chúng ta vào xung đột vũ trang" liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine bằng cách sử dụng nước này như một "công cụ" cho các hoạt động của NATO. Ông tuyên bố rằng mục tiêu chính của Washington là buộc "các đồng minh ở châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt rất cứng rắn chống lại Nga” hoặc "lôi kéo Ukraine vào NATO."
Moskva luôn coi sự hỗ trợ ngày càng tăng cho Ukraine từ NATO - về vũ khí, đào tạo và nhân sự - là một mối đe dọa đối với an ninh của nước này. Nga cũng cáo buộc Ukraine đang tăng cường binh lực để chuẩn bị cho nỗ lực chiếm lại khu vực Donbas, một cáo buộc mà Ukraine bác bỏ.
Xem binh sĩ Ukraine thử vũ khí chống tăng do Anh cung cấp (Nguồn: AFP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng kêu gọi xây dựng các thỏa thuận pháp lý cụ thể nhằm loại trừ bất kỳ sự mở rộng nào của NATO về phía đông đối với biên giới của Nga, nói rằng phương Tây đã không tuân theo những đảm bảo bằng lời nói trước đây của mình. Ông Putin cũng nói rằng việc NATO triển khai các vũ khí tinh vi ở Ukraine, chẳng hạn như hệ thống tên lửa, sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" đối với Nga.