Trả lời phỏng vấn China Media Group của Trung Quốc ngày 16/10, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Nga không bao giờ phản đối giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng theo ông, chính Kiev đã lật ngược mọi thỏa thuận và chưa sẵn sàng đàm phán.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Putin cho biết: “Về những gì cần phải làm và làm như thế nào để chấm dứt xung đột bằng biện pháp hòa bình: chúng tôi chưa bao giờ phản đối điều này”. Nhà lãnh đạo Nga kể lại rằng vào vòng đàm phán được tổ chức vào mùa xuân năm 2022 tại Istanbul, các bên trên thực tế đã đạt được thỏa thuận, trong đó có tính đến việc cung cấp các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga.
"Phía Ukraine đưa ra những yêu cầu rất nghiêm ngặt về mặt an ninh và chúng tôi gần như đã chấp nhận. Tuy nhiên, ngay khi chúng tôi rút quân khỏi thủ đô Kiev của Ukraine, phía Ukraine đã lật ngược mọi thỏa thuận", Tổng thống Nga nói. Sau đó, Ukraine tuyên bố sẽ tìm cách đánh bại Nga và giành chiến thắng trên chiến trường để gây ra một thất bại chiến lược cho Nga. Để đạt được mục tiêu, Kiev phát động một chiến dịch phản công, tiếp diễn từ ngày 4/6 đến nay. Ông Putin nhận xét rằng chiến dịch phản công của Ukraine đã thất bại.
"Thật không may, phía đối phương không muốn tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào. Trên thực tế, Tổng thống Ukraine thậm chí đã ban hành sắc lệnh cấm tất cả mọi người tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với chúng tôi. Làm sao chúng tôi có thể tiến hành đàm phán nếu họ không sẵn lòng và thậm chí ban hành quy định cấm các cuộc đàm phán như vậy? Vì vậy, nếu phía Ukraine sẵn sàng, tôi đoán điều đầu tiên cần làm là hủy bỏ sắc lệnh và bày tỏ sự sẵn sàng cho các cuộc đàm phán", ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moskva sẵn sàng đàm phán về thỏa thuận hòa bình với Ukraine, có thể dựa trên cơ sở kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất hồi đầu năm nay.
Nga và Ukraine đã tiến hành một số cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột, nhưng các cuộc hòa đàm đã bị đình trệ kể từ cuối tháng 3 năm ngoái. Điện Kremlin cho biết Nga không nhận thấy triển vọng cho giải pháp chính trị nào do tình hình Ukraine đang rất phức tạp.
Nêu điều kiện đàm phán, Điện Kremlin muốn Kiev công nhận chủ quyền của Nga đối với bản đảo Crimea đã sáp nhập nước này vào năm 2014, đồng thời công nhận việc sáp nhập các tỉnh Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia của Ukraine hồi tháng 10/2022.
Về phần mình, Kiev cho biết họ sẽ không từ bỏ “công thức hoà bình”, đồng thời bác bỏ mọi quan điểm thỏa hiệp trong đàm phán chấm dứt xung đột với Nga. Cuối năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra công thức hòa bình 10 điểm, trong đó bao gồm yêu cầu Nga rút quân vô điều kiện, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine theo đường biên giới xác định năm 1991.