Hãng tin Reuters cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/6 tuyên bố Nga sẽ đáp trả tương xứng nếu NATO triển khai quân đội và cơ sở hạ tầng ở Phần Lan và Thụy Điển sau khi hai nước tham gia liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
"Với Thụy Điển và Phần Lan, chúng tôi không gặp những vấn đề như với Ukraine. Họ muốn gia nhập NATO, cứ thoải mái", ông Putin nói với kênh truyền hình nhà nước Nga sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo khu vực ở Turkmenistan. "Nhưng họ phải hiểu rằng trước đây không có mối đe dọa nào, còn hiện tại, nếu các lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng được triển khai ở đó, chúng tôi sẽ phải đáp trả tương xứng và tạo ra các mối đe dọa tương tự cho các vùng lãnh thổ mà từ đó các mối đe dọa đối với chúng tôi được tạo ra."
Ông Putin nói rằng không thể tránh khỏi việc quan hệ giữa Moskva với Helsinki và Stockholm sẽ trở nên khó khăn khi hai nước trở thành thành viên NATO.
“Mọi việc giữa chúng tôi vẫn ổn, nhưng bây giờ có thể có một số căng thẳng, chắc chắn sẽ có. Không thể tránh khỏi nếu có một mối đe dọa đối với chúng tôi”, nhà lãnh đạo Nga nói.
Ông Putin đưa ra những bình luận trên một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ quyền phủ quyết của mình đối với yêu cầu gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, và tiếp đó khối quân sự này đã chính thức mời hai nước Bắc Âu tham gia liên minh.
Động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn nhất về an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Ông Putin nói thêm rằng mục tiêu của “chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine vẫn không thay đổi, vẫn là "giải phóng" khu vực Donbass ở miền đông Ukraine và tạo điều kiện để đảm bảo an ninh của Nga.
Ông cho biết quân đội Nga đã tiến vào Ukraine và cuộc can thiệp quân sự diễn ra theo đúng kế hoạch. Tổng thống Nga lưu ý rằng không cần thiết phải đặt ra thời hạn để kết thúc chiến dịch.
Trong khi đó, theo trang Politico, ngày 29/6, các nhà lãnh đạo NATO họp tại Madrid đã thông qua một bản kế hoạch chiến lược mới, thẳng thừng coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất” đối với an ninh của các nước Đồng minh cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương”.
Việc gán cho Nga là “mối nguy hiểm hiện hữu và rõ ràng” trong “Khái niệm chiến lược” mới của NATO - một tài liệu hoạch định chính sách hàng thập kỷ một lần - thể hiện phán quyết chính thức của các nhà lãnh đạo NATO về cuộc xung đột của Nga ở Ukraine 0 cuộc chiến tranh quy mô lớn đầu tiên ở châu Âu trong thế kỷ 21.
Tại cuộc họp báo công bố các quyết định ban đầu của lãnh đạo NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã ca ngợi quyết định mang tính bước ngoặt của Phần Lan và Thụy Điển trong việc từ bỏ nhiều thập kỷ theo đuổi chính sách không liên kết và gia nhập NATO.
Ông Stoltenberg nói: “Quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên chứng tỏ rằng cánh cửa của NATO đang rộng mở. Nó chứng tỏ rằng Tổng thống Putin đã không thành công trong việc đóng cửa NATO. Cánh cửa của NATO vẫn mở. Và nó cũng chứng tỏ rằng chúng tôi tôn trọng quyền chủ quyền của mọi quốc gia được lựa chọn con đường của họ”.
Tổng thư ký NATO cũng cho biết liên minh này sẽ thực hiện các bước đi mới để giúp hiện đại hóa quân đội Ukraine, nhưng không rõ sự hỗ trợ có đủ hoặc đến đủ nhanh để khiến cán cân cuộc chiến có lợi cho Kiev.
Ông Sto;tenberg nói: “Các đồng minh sẽ tiếp tục cung cấp sự trợ giúp lớn về quân sự và tài chính. Và hôm nay, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hỗ trợ của chúng tôi bằng một‘ Gói Hỗ trợ Toàn diện’ cho Ukraine. Gói này bao gồm thông tin liên lạc an toàn, nhiên liệu, vật tư y tế và áo giáp; Thiết bị chống mìn và các mối đe dọa hóa học và sinh học, cùng hàng trăm hệ thống chống máy bay không người lái xách tay”.
Tuy vậy trong bản kế hoạch chiến lược mới, các nhà lãnh đạo NATO khẳng định: “NATO không tìm kiếm sự đối đầu và không gây ra mối đe dọa nào đối với Liên bang Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả các mối đe dọa và hành động thù địch của Nga một cách thống nhất và có trách nhiệm”.
Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tuyên bố ý định tăng cường sự hiện diện phòng thủ mạnh mẽ hơn nữa ở sườn phía Đông của khối nhưng tuyên bố vẫn để ngỏ cho bất kỳ sự thay đổi nào từ Moskva. “Chúng tôi không thể coi Liên bang Nga là đối tác của mình. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn sàng giữ các kênh liên lạc cởi mở với Moskva để quản lý và giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn leo thang và tăng cường tính minh bạch” - bản kế hoạch khẳng định.