Theo đài RT (Nga), ông Pavel, người từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO từ năm 2015 đến 2018, lập luận rằng Kiev có thể không cần phải giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất để trở thành thành viên của liên minh này.
“Tôi không nghĩ rằng việc khôi phục hoàn toàn quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ là điều kiện tiên quyết. Nếu có sự phân định, thậm chí là biên giới hành chính, thì chúng ta có thể coi biên giới hành chính này là biên giới tạm thời và chấp nhận Ukraine trở thành thành viên của NATO với lãnh thổ mà nước này sẽ kiểm soát tại thời điểm đó”, ông Pavel nói với trang Novinky.cz hôm 19/8.
Ông Pavel lấy ví dụ rằng Đức từng gia nhập NATO vào năm 1955, khi bị chia đôi thành Tây Đức và Đông Đức. Đức cuối cùng đã thống nhất sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng có một giải pháp, cả về mặt kỹ thuật và pháp lý, để cho phép Ukraine gia nhập NATO mà không kéo liên minh vào cuộc xung đột với Liên bang Nga”, ông Pavel nói.
Ông Pavel đã có lập trường cứng rắn với Nga trong quá khứ, thúc đẩy các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn với Moskva. Nhà lãnh đạo này cũng từng nói rằng “gần như không có giới hạn” đối với loại vũ khí mà các nước phương Tây đang gửi đến Ukraine.
Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, liên minh này đã loại trừ khả năng kết nạp Ukraine do cuộc xung đột với Nga chưa kết thúc. Thay vào đó, các quốc gia thành viên riêng lẻ lựa chọn ký các hiệp ước an ninh song phương với Kiev. Song các hiệp ước này không có hiệu lực theo Điều 5 của Hiến chương NATO, quy định rằng một cuộc tấn công vào một thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.
Kiev đã nhấn mạnh rằng Moskva phải từ bỏ quyền kiểm soát 5 vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền - bao gồm Crimea, khu vực đã sáp nhập Nga sau cuộc trưng cầu dân ý mà cả Ukraine và phương Tây từ chối công nhận. Trong khi đó, Moskva đã nhấn mạnh rằng Ukraine phải từ bỏ mọi yêu sách lãnh thổ để tạo điều kiện cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai.
Nga từ lâu đã phản đối việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông và coi nguyện vọng gia nhập liên minh của Ukraine là một trong những nguồn cơn chính gây ra cuộc xung đột hiện nay. Theo các điều kiện do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra, Ukraine phải chính thức trở thành một quốc gia trung lập và hạn chế quy mô quân đội của nước này.