Bộ Ngoại giao Singapore xác nhận ông Rajapaksa đã được phép nhập cảnh quốc gia Đông Nam Á này trong "một chuyến thăm riêng". Cũng theo bộ trên, Tổng thống Rajapaksa không xin tị nạn và cũng không được cấp quy chế tị nạn.
Các cuộc biểu tình ở Sri Lanka đã kéo dài suốt nhiều tháng và lên đỉnh điểm những ngày gần đây. Tổng thống tạm quyền kiêm Thủ tướng Wickremesinghe ngày 13/7 đã ban bố lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến 5h00 (giờ địa phương) ngày 14/7.
Với lệnh này, người dân không được phép ra đường phố, công viên, nơi vui chơi giải trí công cộng, bờ biển hoặc những địa điểm công cộng khác trong khoảng thời gian nói trên, ngoại trừ những người có giấy phép do các cơ quan chức năng cấp.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại quốc đảo này. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây.
Quốc hội Sri Lanka sẽ không triệu tập cuộc họp vào ngày 15/7 như đã thông báo trước đó. Văn phòng Chủ tịch Quốc hội ngày 14/7 đã đưa ra thông báo trên trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, kéo theo làn sóng biểu tình phản đối cách thức ứng phó của chính phủ nước này.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết cơ quan này sẽ nhóm họp trở lại vào ngày 15/7 và tiến hành bầu tổng thống mới của nước này vào ngày 20/7.
Tuy nhiên, thông báo mới nhất của văn phòng Chủ tịch Quốc hội cho biết cơ quan này sẽ công bố thời điểm nhóm họp mới trong vòng 3 ngày tới nếu Chủ tịch Abeywardena nhận được đơn từ chức của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa trong ngày 14/7.
Trước đó một ngày, Tổng thống đương nhiệm Rajapaksa đã rời Sri Lanka tới Maldives. Ông Rajapaksa đã chỉ định Thủ tướng Wickremesinghe đảm nhận các chức trách và quyền hạn của Tổng thống.