“Dù có lời đề nghị song tôi không có kế hoạch gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Có thể một ngày nào đó trong tương lai. Tôi chắc chắn ông ấy là một người đàn ông hoàn toàn đáng mến”, Tổng thống Trump đăng một dòng tweet ngày 25/9.
Lời khen ngợi thân thiện qua dòng tweet hoàn toàn trái ngược với quan điểm thù địch của chính quyền Tổng thống Trump đối với Iran.
Trước đây, Tổng thống Trump cũng đã từng dùng chiêu tweet này đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Sau một loạt dòng trạng thái xúc phạm nhà lãnh đạo Triều Tiên và công khai đe dọa tấn công Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump lại tuyên bố “sẽ cảm thấy vinh dự” khi được gặp người đồng cấp Triều Tiên.
Chỉ trong một đêm, biệt danh mà Tổng thống Trump dành cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un chuyển từ “Người đàn ông tên lửa” thành “một người thông minh”. Qua lần hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore, Tổng thống Trump tuyên bố đã tạo dựng “một mối quan hệ rất đặc biệt” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Dư luận có thể tin tưởng chuyện tương tự sẽ xảy ra giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Iran. Tuy nhiên, hiện tại, Tổng thống Iran Rouhani khẳng định ông thấy việc gặp mặt người đồng cấp Mỹ không hề có giá trị gì và cũng sẽ không cân nhắc tổ chức họp mặt cho đến khi ông cảm thấy Washington thực tâm muốn một mối quan hệ mang tính xây dựng với Tehran.
Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump vẫn giữ chính sách cứng rắn đối với Iran kể từ khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Động thái này cũng đã khiến mối quan hệ giữa Washington và các đồng minh châu Âu có phần căng thẳng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis gọi Iran là quốc gia bảo trợ chủ nghĩa khủng bố lớn nhất thế giới, trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo từng cam kết sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt để xử lý Iran vì sự hiện diện quân sự tại Syria.