Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1. Ảnh: BBC |
Phát biểu từ Phòng Ngoại giao của Nhà Trắng lúc 14h15' chiều 8/5 (1 giờ 15 phút sáng 9/5 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Trump nói rằng JCPOA là “một thỏa thuận tồi”, nên ông quyết định rút khỏi thỏa thuận và Mỹ sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là một thỏa thuận "một chiều, thảm họa và không có ích gì cho hòa bình". Tổng thống Trump cho biết thêm, dựa trên các thông tin tình báo của Israel, Chính phủ Iran đã gian dối về chương trình hạt nhân của nước này. Theo ông chủ Nhà Trắng, Iran vẫn tiếp tục là một nước bảo trợ khủng bố.
Phó Tổng thống Mike Pence cho biết Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội Mỹ về quyết định nói trên của Tổng thống Trump.
Ngay từ khi vận động tranh cử tổng thống, ông Trump đã thể hiện rõ lập trường phản đối thỏa thuận được ký dưới thời Tổng thống Barack Obama này. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump nhiều lần gọi thỏa thuận là văn kiện "nguy hiểm", không ngăn chặn được mà chỉ trì hoãn khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Quyết định rút khỏi JCPOA giúp Tổng thống Trump hiện thực hóa một cam kết tranh cử quan trọng, song cũng khiến Washington “tự cô lập” mình với các đồng minh phương Tây khác như Anh, Pháp và Đức – những nước coi thỏa thuận này là công cụ cần thiết nhằm kiềm chế nguy cơ Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó, việc Nhà Trắng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia thành viên Nhóm P5+1 vốn ủng hộ văn kiện này.
JCPOA được Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và thêm Đức) ký năm 2015. Theo thỏa thuận, Iran đồng ý giảm quy mô của kho urani làm giàu, vốn được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân khoa học song cũng có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân - trong vòng 15 năm và giảm số lượng máy ly tâm để làm giàu urani trong 10 năm.
Iran cũng đồng ý chuyển các thanh nhiên liệu urani làm giàu cấp độ cao của nước này ra nước ngoài, đồng thời biến đổi một cơ sở hạt nhân nước nặng để nơi này không thể sản xuất plutoni ở cấp độ vũ khí.
Đổi lại, các lệnh trừng phạt do Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt nhằm vào nền kinh tế Iran được dỡ bỏ.
Ngay sau tuyên bố trên của Tổng thống Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình nhà nước Iran khẳng định Tehran vẫn tuân thủ JCPOA.
Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri ngày 8/5 tuyên bố Tehran sẵn sàng đối phó với bất kỳ kịch bản nào. Hãng thông tấn Tasnim dẫn phát biểu của Phó Tổng thống Jahangiri nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng đối phó với bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra… Nếu Mỹ đã vi phạm thỏa thuận, sẽ là ngây thơ khi đàm phán lại với nước này”.
Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri thì tuyên bố năng lực quân sự của Iran có thể ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani ngày 8/5 tuyên bố việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 sẽ không có lợi cho Washington vì Tehran sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ mới nào.
Hãng thông tấn FARS dẫn phát biểu của ông Shamkhani nêu rõ: “Họ bằng cách này hay cách khác đã hiểu rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran giữ vững lập trường kiên quyết phản đối chiến lược (gây sức ép với Iran) và sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu sách quá đáng nào”.
Trong khi đó, Saudi Arabia tuyên bố ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp E. Macron nói rằng các đồng minh của Mỹ là Anh-Pháp-Đức "lấy làm tiếc" về quyết định của ông chủ Nhà Trắng.
Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh để giải quyết bất kỳ thiếu sót nào trong thỏa thuận hạt nhân Iran, song Chính phủ Anh cho rằng quan trọng là duy trì được thỏa thuận lịch sử này.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cảnh báo nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực vốn tiềm ẩn nhiều bất ổn, đồng thời kêu gọi tăng cường nỗ lực để cải thiện thỏa thuận hạt nhân với Iran. Phát biểu với Đài phát thanh RTL, bà Parly cho rằng có thể chưa hoàn hảo, song JCPOA đã đình chỉ thành công chương trình hạt nhân của Iran.
Bà Florence Parly cảnh báo: "Bất kỳ sự leo thang nào liên quan đến Iran có thể là yếu tố làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã hết sức căng thẳng hiện nay. Việc tiếp tục kêu gọi cải thiện thỏa thuận này là hết sức cần thiết". Thậm chí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh nếu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA.
Về phần mình, Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cảnh báo tại buổi họp báo ngày 8/5 rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ dẫn tới tình huống “rất nghiêm trọng”, Moskva sẽ xem xét và có quyết định ở cấp lãnh đạo cao nhất. Theo ông Peskov, tình huống nghiêm trọng ở đây liên quan đến những hậu quả khi hệ thống thỏa thuận, dù mong manh nhưng không thể thay thế, giữa các nước liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran và về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân không còn tồn tại. Ông Peskov khẳng định Moskva có chung quan điểm với các lãnh đạo châu Âu, đó là không ủng hộ phá vỡ thỏa thuận này.
Thông tin Mỹ rút khỏi JCPOA, cũng như áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, đã khiến thị trường “vàng đen” của thế giới biến động mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 8/5, giá dầu thô Mỹ giảm 91 cents xuống còn 69,82 USD/thùng. Trong khi đó tại London, giá dầu thô Brent giảm 80 cents xuống còn 75,37 USD/thùng.