Tổng thống Donald Trump (trái) chủ động đề nghị nguời đồng cấp Nga Vladimir Putin thăm Mỹ. Ảnh: Conservative Truth |
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov, cho biết đề xuất trên được Tổng thống Mỹ đưa ra khi hai nhà lãnh đạo có cuộc điện đàm hôm 20/3.
Tuy nhiên, ông Yuri Ushakov cho biết thêm hai bên chưa tiến hành công tác chuẩn bị hay thảo luận nào về việc tổ chức một hội nghị như vậy kể từ sau cuộc điện đàm.
Ông Yuri Ushakov nói rằng “Nga hy vọng Mỹ không thay đổi ý định thảo luận về khả năng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin. Tôi tin rằng đó là sự kiện quan trọng. Nó không chỉ cần thiết cho hai nước Nga-Mỹ mà còn có ý nghĩa đối với cộng đồng quốc tế. Tôi hy vọng một ngày nào đó, vào một thời điểm nào đó, chúng tôi có thể khởi động một cuộc đối thoại nghiêm túc và mang tính xây dựng”.
Tuy vậy, đề xuất trên được Tổng thống Trump đưa ra trước làn sóng “ăn miếng trả miếng” trục xuất các nhà ngoại giao giữa Moskva và các nước phương Tây liên quan tới vụ bê bối Anh cáo buộc Nga là chủ mưu vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang người Nga Sergei Skripal trên lãnh thổ Anh.
Để thể hiện đoàn kết với đồng minh Anh, Chính quyền Tổng thống Trump đã trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại thành phố Seatlle (bang Washington). Đáp lại, Moskva cũng trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Mỹ và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố St. Petersburg, đồng thời cảnh báo sẽ trừng phạt bổ sung nếu Washington tiếp tục leo thang căng thẳng.
Thông tin trên nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế bởi một cuộc gặp cấp cao nhất của các nhà lãnh đạo Mỹ-Nga có thể đánh dấu sự chuyển hướng trong quan hệ giữa hai nước, vốn xấu đi kể từ khi Tổng thống Trump lên cầm quyền tháng 1/2017.
Ngoài ra, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga cũng sẽ mở ra hy vọng giải quyết các "điểm nóng" khác của thế giới như cuộc xung đột tại Syria, cuộc chiến chống khủng bố, tiến trình hòa bình Trung Đông và căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.