Đề xuất thông qua USMCA được đưa ra khi Tổng thống Trump đọc Thông điệp Liên bang lần thứ hai trong nhiệm kỳ của mình. USMCA được các nhà lãnh đạo ba quốc gia thành viên ký kết vào ngày 30/11/2018 tại Argentina và được kỳ vọng sẽ kiến tạo việc làm trong các ngành sản xuất, mở rộng lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Tuy nhiên, hiệp định này cần phải được các nhà lập pháp của ba nước phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực và trước một Quốc hội Mỹ đang chia rẽ, con đường phía trước của USMCA được cho là khá khó khăn.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Nancy Pelosi, người đã đảm nhận vai trò Chủ tịch Hạ viện hồi đầu tháng 1/2019, đã nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng thực thi thỏa thuận USMCA, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến lao động và bảo vệ môi trường. Ví dụ, USMCA yêu cầu hoạt động sản xuất ô tô phải có ít nhất 40% được thực hiện tại những nhà máy sử dụng nhân lực với mức lương trung bình 16 USD/giờ. Nếu điều này được thực hiện sẽ làm tăng chi phí sản xuất ô tô trong khu vực USMCA.
Trong khi đó, một số nhà lập pháp và các nhóm doanh nghiệp đang nỗ lực kêu gọi xóa bỏ thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Canada và Mexico. Thậm chí, một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa còn cho biết họ sẽ không bỏ phiếu thông qua USMCA cho đến khi các loại thuế quan về thép và nhôm được loại bỏ.
Sau khi được ký kết, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ sẽ có 105 ngày để hoàn thành báo cáo về tác động kinh tế của USCMA. Nhiều nhà lập pháp vẫn đang chờ đợi để xem phân tích trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng. Trước mắt, USMCA sẽ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu Có-hoặc-Không tại Quốc hội trong khuôn khổ điều luật đàm phán nhanh (“fast-track”) thuộc bộ luật thương mại 2015.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ có thể ngăn chặn điều này bằng cách ban hành một quy định nhằm hạn chế USMCA được sử dụng điều luật “fast-track”. Điều này có thể dẫn đến một cuộc tranh luận kéo dài về "những điều chỉnh" có thể của thỏa thuận. Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích cho biết đảng Dân chủ khó có thể từ chối hoàn toàn thỏa thuận mới, vì hiện tại không có bất cứ sự thay thế nào cho USMCA. Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ đơn phương rút khỏi NAFTA nếu thỏa thuận mới không được thông qua tại Quốc hội.