Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói như vậy về cuộc gặp giữa ông và
người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Hội nghị
thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới
(G20). Theo ông, cuộc gặp này là một dấu hiệu tốt và cho thấy hai nước có thể phối hợp với nhau
trong các vấn đề như lệnh ngừng bắn ở Syria, nơi Moskva và Washington
cùng chia sẻ lợi ích.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Christian Broadcasting
Network, ông Trump nêu rõ với tư cách là cường quốc hạt nhân, hai
nước đều duy trì một mối quan hệ nhất định. Ông nhận định
cuộc gặp hai bên đã diễn ra tốt đẹp, đồng thời nhấn mạnh việc
đạt được lệnh ngừng bắn kéo dài trong 4 ngày qua tại Tây Nam
Syria là nhờ vào sự nhất trí giữa hai nhà lãnh đạo này.
Liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu tổng thống
Mỹ năm ngoái, Tổng thống Trump cho hay hai bên đã dành 20-25 phút
để thảo luận và Tổng thống Nga đã bác bỏ sự liên can của
Moskva trong vấn đề này.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8/7 đã bày tỏ kỳ
vọng rằng sự hợp tác Nga-Mỹ sẽ được cải thiện dưới thời chính quyền của
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị
thượng đỉnh G20, ông Putin khẳng định có mọi lý do để tin tưởng rằng
quan hệ Nga-Mỹ, vốn đã sa sút nghiêm trọng dưới chính quyền Tổng thống
tiền nhiệm Mỹ Barack Obama, ít nhất sẽ có thể thiết lập
lại một phần mức độ hợp tác cần thiết.
Nhà lãnh đạo Nga bày tỏ hy vọng
về triển vọng cải thiện quan hệ song phương và nhận định rằng một số cơ
sở cho việc này đã được thiết lập. Ông Putin cũng khẳng định tại cuộc
gặp, Tổng thống Trump đã chấp nhận tuyên bố của Nga bác bỏ cáo buộc
can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong diễn biến liên quan, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/7,
Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết
Chính phủ Mỹ cho rằng dự luật về mở rộng các biện pháp trừng phạt chống
Nga sẽ tạo ra những nguy cơ nhất định đối với khả năng thực hiện chính
sách đối ngoại của chính quyền Mỹ hiện nay. Trước đó, hồi trung tuần
tháng 6 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật về tăng cường trừng
phạt Nga.
Dự luật này được cho là sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt
vốn đã được áp đặt đối với Nga từ năm ngoái liên quan đến tình hình
khủng hoảng tại miền Đông Nam Ukraine, vấn đề bán đảo Crimea (Crưm) sáp
nhập trở lại Nga, và các cáo buộc tấn công mạng. Dự luật này còn phải
được Hạ viện Mỹ thông qua và tổng thống nước này ký ban hành. Do đó, nếu
thành luật, luật này chỉ có thể được dỡ bỏ thông qua một đạo luật khác.
Nhà Trắng không thể nới lỏng, đình chỉ hay chấm dứt các biện pháp trừng
phạt đối với Moskva mà không có sự chấp thuận của quốc hội.
Dự luật trên được đưa ra trong bối cảnh Washington đang tập trung
vào quan hệ với Nga, khi các ủy ban quốc hội và Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến
hành nhiều cuộc điều tra nhằm xác định Nga có gây ảnh hưởng tới cuộc bầu
cử tổng thống Mỹ năm 2016 nhằm giúp ông Donald Trump thắng cử hay
không. Cho đến nay, Nga luôn bác bỏ cáo buộc của Mỹ, coi đây là những
cáo buộc phi lý.