Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kiểm soát vũ khí, nỗ lực này của chính quyền Trump có thể phản tác dụng.
Trước đó, Tổng thống Trump từng ngầm ám chỉ ý định này trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hồi tháng 1. “Có lẽ chúng ta có thể thương thảo một thỏa thuận khác, đưa Trung Quốc hoặc các quốc gia khác tham gia, hoặc chúng ta có thể không”, Tổng thống Trump đề cấp tới quyết định theo đuổi một hiệp ước hạt nhân.
Hãng tin CNN dẫn nguồn một vài quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết chính quyền Trump đang tiến hành các cuộc đàm phán liên cơ quan để vạch ra các phương án cho Tổng thống theo đuổi một thỏa thuận như thế, dựa trên bản thỏa thuận cũ, Hiệp ước START mới (Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới) giữa Nga và Mỹ dự kiến hết hiệu lực vào năm 2021.
“Tổng thống Trump thể hiện rõ quan điểm một thỏa thuận kiểm soát vũ khí cần bao gồm Nga và Trung Quốc cũng như mọi loại vũ khí, mọi đầu đạn, mọi tên lửa. Chúng tôi có tham vọng đưa cho Tổng thống các phương án trong thời gian nhanh nhất có thể. Đây là một điều mà chưa có chính quyền nào trước đó từng thử”, một quan chức Nhà Trắng cấp cao tiết lộ.
Quan ngại một cuộc chạy đua vũ trang
Tuy nhiên, với quy mô tham vọng trên, những lời chỉ trích trước đó của Tổng thống Trump đối với hiệp ước START mới và vai trò của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, một số nhà quan sát lo ngại mục đích thực sự của chính quyền Trump là tìm cách rũ bỏ thỏa thuận hạt nhân thứ hai.
“Lý do duy nhất mà các ông đề cập đến Trung Quốc là các ông không có ý định kéo dài hiệp ước START mới”, Alexandra Bell – Giám đốc chính sách tại Trung tâm Giải trừ và Kiểm soát Vũ khí – nhận định.
Cả quan chức Mỹ và Nga đều bắn tín hiệu việc làm mới một hiệp ước hạt nhân có thể rất khó khăn và không đi đến kết quả. Trong khi quan chức chính quyền Trump đặt câu hỏi liệu rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân mới của Moskva có phù hợp với một bên tham gia thỏa thuận có trách nhiệm hay không thì bên phía Nga lại lên tiếng nghi vấn liệu Mỹ có tuân thủ đúng những gì giao hẹn trong Hiệp ước START mới.
“Việc gia hạn START mới không chỉ đơn giản có thể giải quyết trong một vài tuần”, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov phát biểu tại hội nghị kiểm soát vũ khí tổ chức trong tháng này.
Hiệp ước START mới ký kết năm 2010 hạn chế hai cường quốc hạt nhân triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân trên 700 hệ thống phóng, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom.
Hiệp ước này được cho là hết hiệu lực vào năm 2021, nhưng có thể được gia hạn tới 5 năm nếu cả hai bên nhất trí.
Tuy nhiên, Nhà Trắng thể hiện không cần phải gấp rút đàm phán về việc gia hạn START mới trước khi đạt được thỏa thuận lớn hơn.
"Chúng tôi không cần phải có một cuộc thảo luận ngay bây giờ về việc gia hạn. Thay vào đó, chúng tôi cần có một cuộc thảo luận về tất cả mọi thứ mà Nga và Trung Quốc đang phát triển để giảm mối đe dọa đối với Mỹ, và phác thảo một đề xuất nên như thế nào để đưa hai quốc gia lên bàn đàm phán”, quan chức Nhà Trắng lý giải.
Các chuyên gia hạt nhân cảnh báo càng tiến gần đến thời hạn hết hiệu lực, hiệp ước càng rơi vào tình trạng báo động. Lynn Rusten, Phó Chủ tịch tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân, cho rằng khi thời hạn càng đến gần, cả hai bên đều tìm cách đẩy mạnh vị thế của mình và từ đó có nguy cơ nảy sinh xung đột.
Bên cạnh đó, khả năng Trung Quốc có sẵn sàng chấp thuận tham gia một hiệp ước hạt nhân với Mỹ hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Theo chuyên gia Bell, viễn cảnh Bắc Kinh tham gia vào một thỏa thuận mà lại đóng vai trò một đối tác ở vị trí thấp hơn là không thể. Từ lâu, Trung Quốc luôn nói rõ không tham gia bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào với quốc gia có kho vũ khí lớn hơn.
Hiện kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc chỉ bằng 1/10 của Nga và Mỹ. Không chỉ vậy, nước này còn ban hành chính sách không khai hỏa vũ khí hạt nhân trước (no first use) và được tin rằng không dự trữ đầu đạn hạt nhân trong tên lửa đạn đạo.