Tổng thống Trump tự tin sẽ có mối quan hệ khác biệt với ông Putin

Tổng thống Donald Trump cho rằng ông sẽ có mối quan hệ khác biệt với người đồng cấp Nga Vladimir Putin so với ba đời tổng thống Mỹ trước đó.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga ngày 16/7 tại Helsinki (Phần Lan) là chương mới trong loạt sự kiện tương tự diễn ra xuyên suốt 2 thập niên qua có sự góp mặt của nhà lãnh đạo Nga Putin.

Tổng thống Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Trump trong một cuộc gặp. Ảnh: Reuters

Kênh CNN (Mỹ) cho biết từ thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho tới George W. Bush và Barack Obama, ông Putin luôn đóng vai định kỳ trong mối quan hệ ngoại giao Mỹ-Nga mà ban đầu là thân thiện rồi trở thành đối đầu. 
 
Nhà phân tích Susan Glasser của CNN đánh giá: “Các tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama từng cho rằng họ có thể làm bạn với nhà lãnh đạo Nga Putin và điều này sẽ tái thiết mối quan hệ”. Theo bà Susan Glasser, cả 3 đời Tổng thống Mỹ này cố gắng khởi động lại mối quan hệ vốn tồn tại nhiều khúc mắc với Nga, nhưng sau đó nhận thấy nhà lãnh đạo Nga khó có thể bị xoay chuyển. Tuy nhiên, Tổng thống Trump tự tin rằng ông khác biệt.
 

Ngày 13/7, Tổng thống Trump phát biểu: “Tôi cho rằng bản thân mình sẽ có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Putin nếu chúng tôi dành thời gian cùng nhau. Những người khác cho rằng nó sẽ không hiệu quả nhưng tôi khác với họ”. Điều này dự kiến sẽ được bộc lộ rõ hơn sau Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ngày 16/7.

 
Tổng thống Trump từng nhắc lại nhiều lần rằng cải thiện mối quan hệ với Nga là quan trọng. Tuy nhiên, tình hình hiện tại của ông Trump lại khá khác biệt so với 3 đời Tổng thống Mỹ trước đó bởi cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Từ khi bước chân vào Nhà Trắng đến nay, Tổng thống Trump không đồng tình với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Điều này nhiều khả năng cũng không thay đổi tại Phần Lan.
 

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga lại gặp trở ngại là quyết định của Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội 12 công dân Nga.
 

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 13/7 cho rằng những công dân Nga này đã đột nhập mạng lưới máy tính và email của đảng Dân chủ Mỹ trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2016 để xoay chuyển tình thế có lợi cho ứng viên đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
 

Trước diễn biến này, nhiều nghị sĩ đã đề nghị hủy Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, nhưng Nhà Trắng đã từ chối.
 

Trong cuộc phỏng vấn với CBS phát sóng ngày 15/7, Tổng thống Trump cho biết trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga tại Helsinki, ông sẽ đề cập đến vấn đề tấn công mạng đảng Dân chủ năm 2016. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng nói đến vai trò của người tiền nhiệm Obama: “Điều này diễn ra trong thời kỳ chính quyền Tổng thống Obama”.
 
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng thừa nhận ông chưa xét đến việc đề cập với người đồng cấp Putin dẫn độ các công dân Nga bị Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội.
 
Hà Linh/Báo Tin tức
Kết quả lý tưởng cho Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ
Kết quả lý tưởng cho Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thẳng thắn thừa nhận rằng mối quan hệ giữa Moskva và Washington hiện tại đang ở mức thấp điểm đến mức sau Hội nghị thượng đỉnh tại Phần Lan ngày 16/7, nếu hai quốc gia đạt được thống nhất về tái lập một đối thoại thông thường cũng đã được coi là thành công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN