Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 11/12 đã tới Washington trong nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán đang bị đình trệ ở Đồi Capitol về việc cung cấp thêm hỗ trợ cho Ukraine. Ông Zelensky cảnh báo Mỹ không nên cho phép các tính toán chính trị “phản bội” quân đội Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine đã bị đình trệ do các yêu cầu của Đảng Cộng hòa về những thay đổi đối với chính sách tị nạn và các chính sách nhập cư khác để đổi lấy lá phiếu đồng ý của họ. Tại Đồi Capitol, Tổng thống Zelensky dự kiếnsẽ đưa ra lý do Mỹ cần nối lại khẩn cấp viện trợ trong bài phát biểu trước các thượng nghị sĩ và trong cuộc họp với Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cũng như các nhà lãnh đạo Quốc hội khác trong ngày 12/12 (theo giờ địa phương).
Phát biểu biểu trước khán giả gồm các nhân viên quân sự Mỹ và quốc tế tại Đại học Quốc phòng ở Washington ngày 11/12, ông Zelensky cho biết cơ hội chiến thắng của Ukraine đang ở thế cân bằng và lập luận rằng việc Mỹ từ bỏ Ukraine sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin ăn mừng. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, điều quan trọng là các tính toán chính trị không được phản bội người lính.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời người đồng cấp Zelensky đến Washington trong bối cảnh cuộc chiến tài trợ cho Ukraine chưa có lối thoát. Hôm nay, 12/12, ông Biden sẽ đón Tổng thống Ukraine tại Nhà Trắng, trong bối cảnh gói viện trợ bổ sung trị giá 110,5 tỷ USD mà Nhà Trắng đề xuất – bao gồm các quỹ hỗ trợ Ukraine, Israel, Đài Loan (Trung Quốc) và củng cố biên giới Mỹ-Mexico – dường như khó có thể được thông qua trước khi các nhà lập pháp nghỉ lễ cuối năm.
Đồi Capitol đã tranh cãi trong nhiều tuần qua về những thay đổi trong chính sách nhập cư mà nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa muốn đàm phán để đổi lấy nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine. Trong khi đó, một số đảng viên Đảng Dân chủ đã bác bỏ tiền đề của các cuộc đàm phán, nói rằng việc này khiến cho quyết định xin tị nạn trở nên khó khăn hơn sẽ không giải quyết được vấn đề ở biên giới phía Nam nước Mỹ.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 44 tỷ USD hỗ trợ an ninh kể từ Nga tấn công Ukraine tháng 2/2022. Các quan chức Nhà Trắng thừa nhận họ sắp cạn nguồn hỗ trợ quân sự cho Kiev nếu không được cấp bổ sung.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên hôm 11/12: “Chúng tôi thực sự cần có thêm nguồn tài trợ để hỗ trợ Ukraine tiến lên”. Ông nói thêm rằng chính quyền Mỹ sẽ gửi hỗ trợ an ninh cho Ukraine trước cuối năm nay.
“Đó là vấn đề sinh tử đối với Ukraine. Thời gian là điều cốt yếu: Đó là thông điệp”, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelensky xin giấu tên cho biết.
Chuyến đi được tổ chức vội vã của ông Zelensky tới Washington đã được sắp xếp vào tuần trước trong lúc nhà lãnh đạo Ukraine đang thăm Argentina nhằm tăng cường hỗ trợ giữa các nước đang phát triển.
Bên cạnh việc cố gắng thu phục sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, ông Zelensky còn có kế hoạch yêu cầu người đồng cấp Biden ký phê duyệt chuyển giao năng lực vũ khí mới và mạnh hơn cho Ukraine. Vị cố vấn nói trên từ chối nêu rõ năng lực cụ thể mà Kiev đang tìm kiếm.
Tổng thống Zelensky dự định sẽ nhấn mạnh rằng việc từ chối tiếp tục tài trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine sẽ có lợi cho Moskva và cho phép Điện Kremlin thúc ép Ukraine đầu hàng và giải quyết xung đột theo các điều kiện của Nga. Ukraine lo ngại rằng sự chậm trễ hơn nữa cũng có thể khuyến khích Nga ra lệnh tấn công mạnh mẽ hơn vào lực lượng Ukraine trong những ngày tới.
Vị cố vấn cũng cho biết, ông Zelensky sẽ cố gắng xoa dịu mọi lo ngại mà Đảng Cộng hòa có thể có về cách Kiev chi tiêu các quỹ của Mỹ.
Washington đã dẫn đầu các nỗ lực trang bị và huấn luyện cho lực lượng Ukraine, những người đã chật vật trong cuộc phản công được phát động từ mùa hè năm nay, mà không đạt được kỳ vọng là mang đến một bước đột phá lớn khi cuộc xung đột gần bước sang năm thứ ba.
Chuyến thăm thứ ba của ông Zelensky tới Đồi Capitol diễn ra khi các nhà lập pháp chỉ còn vài ngày nữa để đàm phán một thỏa thuận nhập cư phức tạp trước khi họ dự kiến rời thủ đô đi nghỉ lễ.
Ngày 11/12, lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Charles E. Schumer cho biết : “Như một dấu hiệu của thiện chí, các đảng viên Đảng Dân chủ sẽ tiếp tục cố gắng” để đạt được một thỏa thuận. “Trách nhiệm thuộc về Đảng Cộng hòa trong việc chứng tỏ họ sẵn sàng ôn hòa.”
Các nhà lãnh đạo của Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát lại nói rõ rằng họ không có kế hoạch ở lại để xem liệu các thượng nghị sĩ có đạt được thỏa thuận hay không. Hạ nghị sĩ Kelly Armstrong nói: “Tôi không thể tưởng tượng được chúng tôi sẽ ở lại… đặc biệt nếu các cuộc đàm phán biên giới không diễn ra nghiêm túc ở đâu đó”.
Tuần trước, Tổng thống Biden đã báo hiệu rằng ông sẽ sẵn sàng chấp nhận những hạn chế đáng kể về nhập cư để đạt được một thỏa thuận, và một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã thúc giục ông tham gia nhiều hơn vào các cuộc đàm phán. Thượng nghị sĩ James Lankford, nhà đàm phán chính về thỏa thuận biên giới, cho biết trên mạng xã hội rằng thật “tuyệt vời” khi các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện và Nhà Trắng đã trao đổi với nhau suốt cuối tuần qua, nhưng Đảng Cộng hòa cần phải là một phần trong cuộc trò chuyện đó.
Ông Lankford nói trên mạng X: “Chúng ta sẽ không đạt được bất kỳ tiến bộ thực sự nào trong việc đảm bảo biên giới cho đến khi mọi người ngồi vào bàn đàm phán”.
Mặc dù đa số các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ viện trợ cho Ukraine ngay sau khi Nga tấn công, sự ủng hộ đó đã suy yếu về phía Đảng Cộng hòa khi các cuộc thăm dò cho thấy các cử tri bảo thủ phản đối viện trợ này.
Thượng nghị sĩ Charles E. Grassley cho biết ông tin rằng Đảng Dân chủ đã yêu cầu ông Zelensky xuất hiện để gây áp lực buộc Đảng Cộng hòa “hãy quên đi vấn đề biên giới” và ủng hộ cho Ukraine.