Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Tại cuộc hội đàm, chúng tôi đã thảo luận ý tưởng về soạn thảo những kế hoạch tham vọng hơn về mở rộng hợp tác kinh tế trong những lĩnh vực chủ chốt từ thương mại đến đầu tư và hợp tác công nghệ”. Theo ông Putin, trong những năm tới, hai nước có thể đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và Nhật Bản ít nhất đạt mốc 30 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều trong các tháng 1-11/2018 đã tăng 18% và đạt khoảng 20 tỷ USD.
Trong khi đó, trợ lý báo chí Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho rằng cần phải củng cố bầu không khí tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ Nga - Nhật Bản thông qua phát triển hợp tác kinh tế thương mại. Điều này cho phép thúc đẩy cả vấn đề ký kết hiệp ước hòa bình giữa hai nước.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung ngày 22/1 ở Moskva với Tổng thống nước chủ nhà Putin, Thủ tướng Abe nhấn mạnh để xây dựng lòng tin trong lĩnh vực an ninh, ngay trong năm nay, hai bên sẽ phát triển các mối quan hệ giữa bộ quốc phòng, biên phòng của hai nước. Hợp tác Nga - Nhật Bản trong việc chống lại các mối đe dọa phi truyền thống đã gặt hái nhiều thành công. Do đó, hai bên sẽ nỗ lực phát huy các kết quả đã đạt được và không ngừng mở rộng hợp tác. Thủ tướng Abe cho biết thêm Nga và Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục hợp tác về vấn đề Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh “hòa bình và ổn định tại Đông Bắc Á là mục tiêu chung to lớn" của hai nước.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh hai nước thúc đẩy đàm phán về một hiệp định hòa bình thời hậu chiến, với trọng tâm là liệu ông Abe có đảm bảo đạt được thỏa thuận Moskva trao lại cho Tokyo hai trong số bốn đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp giữa hai quốc gia ở khu vực ngoài khơi đảo lớn Hokkaido ở cực Bắc của Nhật Bản hay không.
Trước đó ngày 20/1, Thủ tướng Shinzo Abe đã nói rằng Tokyo có thể chấp nhận một hiệp ước hòa bình với Nga nếu Moskva thực hiện điều này, đánh dấu một sự thay đổi trong lập trường của Tokyo (lâu nay khẳng định Nga phải trả lại toàn bộ bốn đảo thuộc quần đảo mà Moskva gọi là Nam Kuril trong khi Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc).
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo trên.