Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro ngày 21/2 đã đề xuất với người đồng cấp Mỹ Barack Obama thiết lập một cuộc đối thoại bình đẳng trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau để cải thiện quan hệ hai nước, tuy nhiên ông thừa nhận cuộc đàm phán sẽ “khó khăn và phức tạp”, vì các thế lực cầm quyền ở Mỹ không công nhận cuộc cách mạng đang diễn ra tại Venezuela.
Đề xuất trên được đưa ra sau khi mới đây Tổng thống Obama kêu gọi Venezuela thả những sinh viên bị bắt trong các cuộc biểu tình bạo lực chống chính phủ và đối thoại với lực lượng chống đối, điều mà chính phủ Venezuela coi là một sự “can thiệp trắng trợn” mới vào công việc nội bộ của quốc gia Nam Mỹ này.
Tổng thống Maduro trong cuộc gặp báo chí quốc tế tại thủ đô Caracas ngày 21/2 (ảnh: AVN) |
Tại cuộc gặp các phóng viên nước ngoài ở thủ đô Caracas, Tổng thống Maduro kêu gọi ông Obama giải quyết những bất đồng giữa hai nước thông qua kênh chính trị và ngoại giao, đồng thời cho biết đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Elías Jaua khởi động các cuộc thương thảo và đề nghị ông Obama cử Ngoại trưởng John Kerry tham gia đối thoại.
Tổng thống Maduro cho biết ông sẵn sàng cử ông Roy Chaderton, hiện là Đại sứ của Venezuela tại Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), làm đại sứ ở Washington.
Theo nhà lãnh đạo cánh tả Venezuela, điều mà Caracas muốn trong quan hệ với Washington là “sự tôn trọng, hòa bình và hợp tác”.
Quan hệ giữa Mỹ và Venezuela bị xuống cấp kể từ cuối năm 2010, sau khi cố Tổng thống Hugo Chávez không chấp nhận ông Larry Palmer làm đại sứ mới của Mỹ tại Caracas vì đưa ra những tuyên bố thù địch. Đáp lại, Mỹ rút thị thực của Đại sứ Venezuela Bernardo Álvarez. Sau đó hai bên chỉ giữ quan hệ ở cấp đại biện.
Cuối năm 2012, hai nước thiết lập kênh đàm phán nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, tháng 7 năm ngoái ông Maduro quyết định chấm dứt quá trình đối thoại này sau khi bà Samantha Power, khi đó là ứng viên vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, tuyên bố nếu được bổ nhiệm bà sẽ đấu tranh chống “sự đàn áp” tại Venezuela và Cuba.
Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Maduro đã ra lệnh trục xuất 3 nhà ngoại giao Mỹ, trong đó có đại biện lâm thời Kelly Keiderling, với cáo buộc tham gia các hoạt động phá hoại nền kinh tế và hệ thống điện lực, gây bất ổn tại quốc gia Nam Mỹ này. Đáp lại, Washington cũng tuyên bố Đại biện lâm thời Calixto Ortega Ríos và 2 nhà ngoại giao khác của Venezuela tại Mỹ là những nhân vật “không được hoan nghênh”.
Tuần trước chính phủ Venezuela trục xuất 3 nhân viên lãnh sự Đại sứ quán Mỹ sau khi cáo buộc họ đứng đằng sau các cuộc biểu tình bạo lực do các lực lượng cực hữu Venezuela phát động nhằm lật đổ chính phủ trong những ngày gần đây, khiến 8 người thiệt mạng và 137 người bị thương.
Bất chấp những bất đồng chính trị và ngoại giao, hiện Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu dầu mỏ quan trọng nhất của Venezuela.
Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)