“Hãy khôi phục các mối quan hệ tôn trọng và hợp tác vì hòa bình trên khắp Tây Bán cầu, châu Mỹ và vùng Caribe”, ông Maduro nói ngày 19/10 trong buổi chiêu đãi tại dinh tổng thống Miraflores dành cho phái đoàn chính phủ tham dự cuộc đàm phán Barbados.
Hãng TASS (Nga) dẫn lời nhà lãnh đạo Venezuela nhấn mạnh: "Tôi muốn nói rằng ngày nay trên thế giới đã có nhất trí hoàn toàn về việc cần thiết phải dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt hình sự. Venezuela có quyền tự do kinh tế và thương mại. Đây là một thỏa thuận toàn cầu, bất kể bạn nói với ai về điều này: Tổng thống Mexico Lopez Obrador, Tổng thống Brazil Lula da Silva hay Tổng thống Colombia Gustavo Petro. Người dân trên thế giới nói rằng cần phải ngăn chặn gây hấn kinh tế chống lại Venezuela. Không nên lặp lại gây hấn và mọi lệnh trừng phạt hình sự đối với nền kinh tế, đất nước và người dân của chúng tôi phải được gỡ bỏ".
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 18/10 đã nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela để đáp lại thỏa thuận đạt được giữa chính phủ nước này và các đảng đối lập cho cuộc bầu cử năm 2024.
Giấy phép chung mới do Bộ Tài chính Mỹ cấp đã tạo điều kiện để Venezuela, một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), được sản xuất và xuất khẩu dầu sang các thị trường đã chọn trong 6 tháng tới không bị giới hạn.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), như vậy Mỹ đã giảm một số lệnh trừng phạt ngặt nghèo nhất mà Venezuela phải đối mặt nhưng vẫn giữ nguyên một số hạn chế khác. Mặc dù vậy, diễn biến này có thể giúp mở lại cánh cửa của Venezuela cho hàng chục công ty dầu mỏ bị đóng băng hoặc giảm hoạt động ở nước này.
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Venezuela để trừng phạt chính phủ của Tổng thống Maduro sau cuộc bầu cử năm 2018. Kể từ năm 2019, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã cấm công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA xuất khẩu sang các thị trường mà họ đã chọn.