Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổng thống Maduro bày tỏ lo ngại về việc giá dầu lao dốc trên thị trường thế giới ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế nước này, đồng thời thừa nhận Venezuela không có một bộ máy kinh tế và sản xuất vững chắc, có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, ông Maduro cũng thừa nhận vẫn chưa có sự liên kết và thỏa thuận giữa các công ty vừa và nhỏ đa phần do các tư nhân nắm giữ, cũng như những bất cập trong chính sách tỷ giá hối đoái. Theo ông, những nhân tố trên ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Venezuela và cũng tác động không nhỏ tới đời sống xã hội của đất nước. Ông bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất nông nghiệp tập trung sản xuất và thiết lập cơ chế để tăng cường xuất khẩu, tạo thêm nguồn thu cho quốc gia.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bên cạnh đó, Tổng thống Maduro cũng kêu gọi Quốc hội, do phe đối lập chiếm đa số, yêu cầu Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hủy bỏ sắc lệnh coi Venezuela là “mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ”. Nhà lãnh đạo Venezuela cũng hối thúc các thành viên Quốc hội nghiên cứu sắc lệnh về tình trạng kinh tế khẩn cấp mà ông đưa ra, đồng thời cho biết sẽ trình Quốc hội các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển vào ngày 18/1 tới. Ông bày tỏ nhân dân đang chờ đợi những chính sách giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay và điều này không chỉ phụ thuộc vào chính phủ, mà còn phụ thuộc vào đối thoại minh bạch và thẳng thắn giữa các đảng phái chính trị và các thành phần trong xã hội.
Tổng thống Maduro đã trao cho Chủ tịch Quốc hội Henry Ramos Allup, thuộc phe đối lập, sắc lệnh ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp và yêu cầu cơ quan lập pháp thông qua. Điều 3 Hiến pháp Venezuela quy định chính phủ được quyền ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp trong những tình huống đặc biệt của quốc gia trong 60 ngày và có thể kéo dài thêm 60 ngày nữa. Quốc hội sẽ có 8 ngày để xem xét văn bản này.