Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đặc biệt, tỷ giá hối đoái SIMADI, với gần 200 bolivar đổi 1 USD, sẽ được áp dụng đối với các công ty ở Venezuela để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi ngoại hối, so với hệ thống tỷ giá SICAD gây nhiều tranh cãi khi chỉ khoảng 50 bolivar đổi 1 USD.
Tổng thống Maduro còn thông báo ngừng cấp giấy phép xuất khẩu cho cả năm 2016, điều này sẽ cho phép các công ty xuất khẩu hàng hóa mà không cần giấy phép đặc biệt. Bên cạnh đó, ông thông báo đã thiết lập một hệ thống hạn mức tín dụng ngoại tệ để mua nguyên liệu thô.
Trước đó, ông Maduro cho biết các biện pháp ưu đãi sẽ được trao cho các công ty thuộc 9 lĩnh vực được ưu tiên - gồm nông nghiệp, xây dựng, ngành xử lý hydrocarbon, khai khoáng, hóa dầu, viễn thông, du lịch, công nghiệp nặng và quân đội. Tổng thống Venezuela cũng đã chỉ trích Quốc hội nước này do phe đối lập nắm giữ không thông qua sắc lệnh kinh tế khẩn cấp mà ông công bố tuần trước.
Trong động thái liên quan, theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, cũng trong ngày 22/1, Phó Tổng thống Venezuela Luis Salas tuyên bố chính phủ nước này sẵn sàng xem xét lại hệ thống tỷ giá hối đoái hiện nay để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Noticias, ông Salas cho hay Venezuela sẵn sàng xem xét lại vấn đề nói trên nhưng mọi quyết định cần phải đem lại lợi ích cho đa phần người dân và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Venezuela đề cập tới khả năng thay đổi hệ thống ba tỷ giá hối đoái chính thức và một tỷ giá trên thị trường chợ đen, vốn dẫn tới nhiều bất cập cho nền kinh tế.
Từ tháng 2/2015, Venezuela áp dụng đồng thời ba tỷ giá chính thức, trong đó có Cencoex (6,3 bolivar đổi 1 USD, dành cho việc nhập khẩu các nhu yếu phẩm của doanh nghiệp nhà nước), SICAD (hiện là 13 bolivar = 1 USD) và SIMADI (200 bolivar = 1 USD) nhằm “cạnh tranh” với thị trường ngoại tệ chợ đen. Tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen ngày càng cao và hiện là 878 bolivar đổi 1 USD.
Cùng ngày 22/1, nguyên Chủ tịch Quốc hội Venezuela Diosdado Cabello cho biết hiện giá dầu xuất khẩu của nước này xuống tới 22 USD/thùng và mức giá này không đủ bù cho chi phí sản xuất. Ông cảnh báo kinh tế Venezuela - quốc gia thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và là nước xuất khẩu dầu thứ 5 thế giới - sẽ suy sụp với mức giá này.