Tổng thống Yemen cáo buộc các nghị sĩ vi phạm hiến pháp

Ngày 13/8, Tổng thống Yemen Mansour Hadi cáo buộc các nghị sĩ nước này vi phạm hiến pháp khi nhóm họp và thông qua bỏ phiếu tán thành hội đồng chính trị do phiến quân Houthi và đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc (GPC) của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh thành lập hồi tuần trước.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Yemen tại Sanaa ngày 13/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Pháp AFP, trong tuyên bố được đăng trên trang sabanew.net, Tổng thống Hadi lên án cuộc họp trên “vi phạm” Hiến pháp Yemen và là “một tội danh có thể bị pháp luật trừng trị”. Ông khẳng định mọi quyết định tại cuộc họp này sẽ không có hiệu lực pháp lý và không thể được thực thi vì tham gia cuộc họp này chỉ có 91 nghị sĩ trong Quốc hội gồm 301 ghế. Theo Hiến pháp Yemen, việc bỏ phiếu chỉ diễn ra khi có hơn 150 nghị sĩ tại phiên họp bất thường này của Quốc hội. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin có 143 nghị sĩ tham dự sự kiện này.

Cáo buộc trên của Tổng thống Hadi được đưa ra sau khi phiến quân Hồi giáo Houthi đã triệu tập Quốc hội Yemen ngày 13/8. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Yemen nhóm họp trong gần hai năm qua, và diễn ra sau khi phiến quân Houthi (Hu-thi) bác bỏ một kế hoạch hòa bình do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ và chỉ định một hội đồng điều hành đất nước. Đây được coi là một hành động thách thức Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận.

Ngày 6/8 vừa qua, lực lượng Houthi và GPC đã đơn phương công bố danh sách "Hội đồng chính trị tối cao" Yemen gồm 10 thành viên điều hành đất nước. Lực lượng này đã chỉ định thủ lĩnh cấp cao Saleh al-Sumad làm Chủ tịch hội đồng và Kasim Labuzah,  cựu Chủ tịch đảng GPC làm phó Chủ tịch.

Hội đồng chính trị tối cao được tuyên bố thành lập hôm 28/7 nhằm thay thế cho Hội đồng cách mạng tối cao do Houthi đứng đầu. Hội đồng mới này sẽ áp dụng cơ chế lãnh đạo luân phiên, bao gồm một Chủ tịch và một phó Chủ tịch từ cả hai phía. Theo tuyên bố của Houthi, Hội đồng mới "sẽ lãnh đạo đất nước trong mọi vấn đề chính trị, kinh tế, quân sự và an ninh và hoạch định các chính sách công của Yemen phù hợp với hiến pháp".

Yemen rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh vào năm 2012. An ninh trở nên bất ổn sau khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa vào tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Hadi phải sang lưu vong tại nước láng giềng Saudi Arabia. Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích chống lại Houthi từ tháng 3/2015 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7/2015.

Hiện Houthi và GPC kiểm soát phần lớn miền Bắc Yemen, trong khi các lực lượng của Tổng thống Hadi và các bộ lạc địa phương kiểm soát phần còn lại của đất nước. Tình hình Yemen căng thẳng trở lại sau khi các cuộc hòa đàm khép lại mà không đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này. Ngày 6/8 vừa qua, Đặc phái viên LHQ về Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed thông báo vòng đàm phán mới sẽ bắt đầu sau 1 tháng nữa.

TTXVN/Tin Tức
Tướng Mỹ phủ nhận cáo buộc liên quan đến đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ
Tướng Mỹ phủ nhận cáo buộc liên quan đến đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 29/7, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Joseph Votel khẳng định bất cứ cáo buộc nào cho rằng ông có dính líu đến cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đều là sai sự thật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN