Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký LHQ đã lưu ý tới "sức nóng khủng khiếp" và "các đám cháy lịch sử" của năm 2023, song cho rằng các nước "vẫn có thể khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C - mục tiêu cần thiết để tránh thảm họa khí hậu về lâu dài. Ông nêu rõ: "Nhân loại đã mở các cánh cửa địa ngục. Sức nóng khủng khiếp đang gây ra những hậu quả tàn khốc – những người nông dâng đau buồn chứng kiến mùa màng bị lũ lụt cuốn trôi, nhiệt độ tăng cao kéo theo dịch bệnh; hàng nghìn người phải sơ tán khi cháy rừng lịch sử hoành hành. Tuy nhiên, hành động vì khí hậu bị thu hẹp do thách thức ngày càng lớn. Người đứng đầu LHQ cảnh báo nếu không thay đổi, nhiệt độ thế giới có thể tăng tới 2,8 độ C - hướng đến một thế giới bất ổn và nguy hiểm. Do đó, ông kêu gọi hành động khí hậu nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C.
Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng khí hậu, ông Guterres cho rằng tốc độ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo còn quá chậm. Chính vì vậy, các nước cần có cam kết tham vọng hơn về giảm phát thải nhà kính phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C, trong đó các nước phát thải nhiều cần đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính, các nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng “0” muộn nhất vào năm 2040 và các nền kinh tế lớn mới nổi là vào năm 2050. Các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển, phù hợp với nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt.
Bên cạnh đó, cần có sự chuyển đổi để gây dựng lại niềm tin, các nước cần thúc đẩy hệ thống tài chính toàn cầu hướng tới hỗ trợ hành động khí hậu. Theo đó, cần định giá carbon và xem xét lại các mô hình kinh doanh của các ngân hàng phát triển đa phương để họ tận dụng được nhiều nguồn tài chính tư nhân hơn, với chi phí hợp lý cho các nước đang phát triển. Các công ty thực sự muốn kinh doanh cần đưa ra các kế hoạch chuyển đổi nhằm cắt giảm lượng khí thải một cách đáng tin cậy và mang lại công bằng về khí hậu. Bên cạnh đó, các nước cần đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào hoạt động tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) như đã cam kết. Các nước phát triển phải đáp ứng cam kết đóng góp 100 tỷ USD dành cho các nước đang phát triển, bổ sung Quỹ Khí hậu Xanh và tăng gấp đôi kinh phí thích ứng. Không chỉ vậy, tất cả người dân đều phải được bảo vệ thông qua các hệ thống cảnh báo sớm vào năm 2027.
Trong thông báo hồi tháng 12/2022 về kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh hội nghị này chỉ bao gồm lãnh đạo của các nước đã đề ra kế hoạch cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0. Tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ đã mời 34 nước phát biểu nhằm công nhận hành động mạnh mẽ của các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong đó có Brazil, Canada, Pakistan, Nam Phi và quốc đảo Tuvalu. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Trung Quốc, Mỹ, cùng một số nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn trên thế giới không đưa ra phát biểu tại hội nghị phần nào cho thấy nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn tiến triển chậm chạp trước thềm COP28. Theo ông Manuel Pulgar-Vidal, người đứng đầu chiến dịch năng lượng và khí hậu toàn cầu của Quỹ động vật hoang dã, trong khoảng 2 tháng trước khi diễn ra COP28, cần có sự thay đổi đột phá trong ý chí chính trị để có thể thúc đẩy mạnh mẽ hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.