Ngày 4/4, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Bohuslav
Sobotka theo lịch trình của chuyến thăm CH Séc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon
đã đề nghị chính phủ nước này gửi quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của
LHQ tại CH Trung Phi.
Phát biểu với báo giới ngay sau cuộc hội đàm, Tổng
thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Tôi thực sự đánh giá cao sự đóng góp của
CH Séc trong lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali và yêu cầu ngài Thủ tướng
xem xét khả năng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình tại CH Trung Phi. Tình
hình tại đây rất nghiêm trọng và việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở
địa bàn này là cần thiết và cấp bách hơn so với sứ mệnh tại Cao nguyên Golan,
nơi Séc đã đề xuất sự hỗ trợ”.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (trái) và Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka tại cuộc hội đàm ngày 4/4 tại Praha. Ảnh CTK |
Trước đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng đã hội
đàm với Tổng thống CH Séc Milos Zeman. Ông khẳng định, hiện tại ở CH Trung Phi
vẫn đang diễn ra các cuộc đụng độ giữa tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo khiến hàng
trăm người thiệt mạng và gần một triệu người phải bỏ nhà cửa, quê hương đi lánh
nạn. Theo ông, CH Séc có khả năng tham gia tích cực hơn các hoạt động gìn giữ
hòa bình của LHQ. Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại CH Trung Phi có thể cần
tới 12.000 binh sĩ và cảnh sát. Hiện tại LHQ nắm trong tay 6.000 binh sĩ người
Phi, 2.000 binh sĩ Pháp và 1.000 binh sĩ của EU, như vậy vẫn còn thiếu 3.000
binh sĩ. Tổng thư ký Ban Ki-moon cam kết, nếu Séc tham gia lực lượng gìn giữ
hòa bình tại CH Trung Phi thì mọi chi phí đều do LHQ đài thọ.
Theo hãng tin CTK, Bộ trưởng Quốc phòng SécMartin
Stropnický hứa hẹn sẽ tham khảo ý kiến với Bộ Ngoại giao và Tổng tham mưu trưởng
quân đội Séc về khả năng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại CH
Trung Phi. Ông nói: “Đây là diễn biến tình hình mới và trong những ngày tới
chúng tôi sẽ đánh giá một cách có trách nhiệm”.
Các quan sát viên quốc tế đã bắt đầu hoạt động tại
Cao nguyên Golan từ năm 1974. Mới đây CH Séc đề xuất trong năm tới sẽ gửi 150
binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở vùng biên giới Sirya với Israel. Ngày
4/4 Tổng thư ký Ban Ki-moon đã hoan nghênh thiện chí của CH Séc.