Phát biểu với báo giới tại Bali, Indonesia trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ông Guterres cho biết các cuộc đàm phán về thỏa thuận này diễn ra cuối tuần qua "đã đạt nhiều tiến triển".
Trong bối cảnh thỏa thuận sẽ hết hạn cuối tuần này, Tổng thư ký LHQ bày tỏ: “Tôi rất hy vọng sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ được gia hạn… Chúng ta cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn nạn đói và số người đói ăn đang ngày một gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cùng các nỗ lực đảm bảo lương thực và phân bón của Nga ra được thị trường thế giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu”.
Ukraine là một trong những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Kể từ khi bùng phát cuộc xung đột tại nước này cho đến lúc thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen được Ukraine và Nga ký kết hồi tháng 7 thông qua vai trò trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đã bị ùn tắc tại các cảng của nước này.
Nga hiện cho biết chưa quyết định có gia hạn thỏa thuận trên hay không. Tuy nhiên, Moskva cũng kêu gọi các bên thực hiện các cam kết trong thỏa thuận liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga do Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ làm trung gian.
Ngày 22/7, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, các quan chức Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận riêng rẽ với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen có hiệu lực trong vòng 120 ngày, theo đó sẽ hết hạn vào ngày 19/11.
Ngoài ra còn có một biên bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Nga và LHQ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga với thời hạn 3 năm. Trong khuôn khổ thỏa thuận trên, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ đã nhất trí thành lập Trung tâm Điều phối chung (JCC) để giám sát các tàu chở ngũ cốc.