Biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại nặng nề trên toàn thế giới khi gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt và hạn hán, trong khi nhiều sông băng đang tan chảy và mực nước biển dâng cao. Trước thực tế này, Tổng thư ký LHQ kêu gọi cấm quảng cáo dầu mỏ, khí đốt và than đá, những tác nhân chính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu, khi các tổ chức giám sát khí hậu thế giới đưa ra một loạt phát hiện mới cho thấy Trái Đất đang gặp nguy hiểm. Theo ông Guterres, không chỉ Trái Đất gặp nguy hiểm mà chính con người đang là mối nguy hiểm đối với hành tinh này. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi đánh thuế lợi nhuận của ngành nhiên liệu hóa thạch để tài trợ cho các hoạt động chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết tháng trước là tháng 5 nóng nhất từ trước đến nay và là tháng thứ 12 liên tiếp phá vỡ kỷ lục như vậy. Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024 đã tăng 1,63 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Còn tính riêng 2023, đây là năm nóng nhất khi nhiệt độ trung bình tăng 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Copernicus cho rằng hiện tượng El Nino có thể khiến nhiệt độ tăng cao hơn nữa.
Mặc dù hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đang dần suy yếu nhưng Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vẫn cho rằng nhân loại đang đối mặt với 80% khả năng nhiệt độ trung bình Trái Đất sẽ tạm thời cao hơn ít nhất 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong 5 năm tới. Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các nước nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C nhưng tốt nhất là 1,5 độ C. Ông Guterres cho rằng để duy trì mức tăng 1,5 độ C, từ nay đến năm 2030, thế giới phải giảm 9% lượng khí thải toàn cầu mỗi năm. Trong khi thế giới đã nhất trí loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE), việc giảm khí thải vẫn chưa diễn ra.
Tuy nhiên, theo ông Guterres, ngay cả khi lượng khí thải đạt mức 0 ngay bây giờ, nghiên cứu gần đây cho thấy biến đổi khí hậu vẫn sẽ gây thiệt hại ít nhất .000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Các chuyên gia LHQ cho rằng con số này nhiều hơn 2.400 tỷ USD số tiền cần thiết vào năm 2030 để các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và thích ứng với tình trạng ấm lên toàn cầu.