Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York, Mỹ ngày 28/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp khẩn công khai đầu tiên của HĐBA LHQ về tình hình tại Rakhine, TTK Guterres nhấn mạnh tình hình thực địa yêu cầu phải có hành động khẩn cấp để bảo vệ người dân, giảm thiểu mọi tổn thất, ngăn chặn các nguy cơ bất ổn tiếp diễn, tìm ra nguyên nhân và giải pháp bền vững, triệt để.
Ông kêu gọi các quốc gia thành viên HĐBA đoàn kết, ủng hộ những nỗ lực chung nhằm tháo gỡ tình hình tại Rakhine. TTK LHQ cũng cho rằng cuộc khủng hoảng di cư và nhân đạo ở bang Rakhine diễn biến với tốc độ rất nhanh và nay đã trở thành "cơn ác mộng".
Ít nhất 500.000 người đã rời bỏ nhà cửa, trong đó 94% là người giáo Rohingya, đi lánh nạn tại quốc gia láng giềng Bangladesh. Chính phủ Myanmar tuyên bố các chiến dịch an ninh đã kết thúc từ ngày 5/9 nhưng tình trạng người dân rời bỏ nhà cửa, thiêu hủy làng mạc vẫn tiếp tục diễn ra.
Ông cảnh báo nếu không nhanh chóng kiểm soát, tình hình rối loạn có thể lan rộng ra khu vực trung tâm bang Rakhine, khiến 250.000 người Hồi giáo khác đứng trước nguy cơ phải rời bỏ nhà cửa.
TTK Guterres cũng kêu gọi giới chức Myanmar khẩn trương thực hiện 3 bước đi cơ bản gồm ngừng các chiến dịch quân sự, tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và đảm bảo người di cư được trở về trong tình trạng an toàn, tự nguyện và lâu dài.
Cần có một giải pháp chính trị triệt để nhằm giải quyết tận gốc vấn đề. Chính phủ Myanmar và các tổ chức liên quan cần khẩn trương tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của LHQ tới khu vực này.
Bạo động bùng phát tại bang Rakhine từ cuối tháng 8 vừa qua trong bối cảnh quân đội Myanmar phát động các chiến dịch truy quét các phần tử tấn công các trạm kiểm soát biên giới.
Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang nhỏ sắc tộc Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước.
Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước này và coi họ là người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng, dù cộng đồng này đã sống ở Myanmar qua nhiều thế hệ.
Cùng ngày, cảnh sát Myanmar cho biết ít nhất 16 người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, được cho là đã thiệt mạng khi một tàu chở người Hồi giáo Rohingya chạy trốn khỏi tình trạng bạo lực ở Myanmar bị chìm ở vùng biển ngoài khơi Bangladesh. Vào thời điểm tàu bị lật, có khoảng 100 người Rohingya trên tàu.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/9, Đại sứ Trung quốc tại LHQ Ngô Hải Đào kêu gọi các bên kiên nhẫn trong việc tháo gỡ tình hình tại Rakhine. Ông Ngô Hải Đào cho rằng bạo động bùng phát sau một thời gian dài tồn tại những mâu thuẫn về lịch sử, sắc tộc và tôn giáo mà không được giải quyết nên việc tìm ra giải pháp một cách nhanh chóng là không thể.
Trung Quốc cũng lên án các vụ tấn công bạo lực do Tổ chức Thống nhất người Rohingya gây ra đồng thời ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ Myanmar nhằm ổn định tình hình trong nước và kêu gọi cộng đồng quốc tế nhìn nhận vấn đề một cách thông suốt, khách quan và kiên nhẫn trong khi vẫn tiến hành các hoạt động hỗ trợ.
Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với các bên liên quan để đóng góp cho quá tình tái ổn định khu vực. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã kêu gọi các nước ngừng cung cấp vũ khí cho Myanmar do tình trạng bạo lực liên quan tới người Hồi giáo Rohingya.