Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, lãnh đạo các nước tham dự phiên họp đã thảo luận việc thực thi các giải pháp ưu tiên và các hoạt động gần đây nhằm tăng cường sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với những nước này, chẳng hạn như việc Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) đã gia hạn cho Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tiếp tục hoạt động để đảm bảo an ninh cho Mali.
Mali và các nước vùng Sahel đã lâm vào tình trạng bất ổn kể từ năm 2012 do tình hình chính trị hỗn loạn, các hành động bạo lực cực đoan, đói nghèo lan rộng, thất nghiệp, việc quản lý nhà nước lỏng lẻo và sự thiếu thốn các dịch vụ cơ bản ở khu vực này. Thêm vào đó, tài nguyên môi trường ngày càng cạn kiệt, khan hiếm cộng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng dân số đã khiến những khó khăn ở đây thêm chồng chất và châm ngòi cho những xung đột căng thẳng giữa các cộng đồng người bản địa và kích động các nhóm cực đoan truyền bá tư tưởng quân sự của mình tới người dân.
Tại phiên họp, TTK LHQ Guterres đã kêu gọi các đối tác viện trợ thực hiện cam kết của mình đúng hạn để LHQ có thể tiến hành các hoạt động hỗ trợ cho các nước vùng Sahel, nhất là những hoạt động cứu người và đáp ứng các nhu cầu trước mắt. Ông nhấn mạnh công tác cứu trợ đối với vùng này là cấp thiết vì nhóm 5 nước vùng Sahel (G5 Sahel) gồm Burkina Faso, Niger, Chad, Mali và Mauritania hiện đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống các nhóm vũ trang cực đoan. TTK LHQ cho biết thêm khoản tiền 2,3 tỷ USD mà các đối tác cam kết hỗ trợ cho hoạt động của G5 Sahel hiện vẫn chưa được giải ngân và LHQ mới chỉ nhận được 20% ngân sách mà các nước cam kết hỗ trợ cho hoạt động nhân đạo ở vùng này.
Theo số liệu của Cơ quan Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), hiện có khoảng 5,1 triệu người trong khu vực Sahel cần được cứu trợ trong năm 2019.