Phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) về cách hành xử của lực lượng an ninh Hungary đối với người di cư, ông Ban Ki-moon nói: "Tôi thực sự sốc khi nhìn thấy những người tị nạn và di cư bị đối xử bằng vũ lực". Ông nhấn mạnh rằng những người tị nạn chiến tranh, đói khổ là những người cần được chăm sóc và cảm thông và cho rằng đây là hành động "không thể chấp nhận được".
Trong khi đó, Người đứng đầu Cơ quan Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Antonio Guterres cũng cho rằng việc Hungary sử dụng một số biện pháp vũ lực để đối phó với người di cư là vi phạm luật pháp quốc tế. LHQ đã nhiều lần kêu gọi giới chức EU nêu cao tinh thần nhân đạo trong việc giải quyết khủng hoảng di cư.
Người di cư bị thương trong xung đột với cảnh sát chống bạo động Hungary tại Roszke, gần biên giới với Serbia ngày 16/9. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Liên quan đến việc Hungary xây dựng hàng rào ngăn người di cư, ngày 16/9, Bộ Ngoại giao Romania đã triệu Đại sứ Hungary tại nước này để phản đối. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Romania chỉ trích việc xây dựng hàng rào giữa 2 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) là hành động không đúng đắn về mặt chính trị và đi ngược lại tinh thần châu Âu. Serbia cũng đã trao công hàm phản đối Hungary liên quan đến việc lực lượng an ninh nước này sử dụng hơi cay và các biện pháp "mạnh tay" trên lãnh thổ Serbia. Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic lên án gay gắt hành động bạo lực của cảnh sát Hungary với người tị nạn và gọi đó là sự "can thiệp tàn bạo". Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi khối EU thể hiện rõ quan điểm với cách giải quyết "đi ngược những giá trị chung của toàn khối" của Hungary. Serbia đã quyết định điều thêm cảnh sát tới khu vực cửa khẩu Horgos nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra thêm xung đột giữa người di cư và cảnh sát Hungary.
Trước đó, chiều 16/9, tại khu vực biên giới Hungary – Serbia, cảnh sát Hungary sử dụng hơi cay và vòi rồng để ngăn chặn dòng người tị nạn cố tìm mọi cách kéo đổ hàng rào dây thép gai. Đụng độ xảy ra khi một nhóm người di cư dùng những vật dụng như gạch đá, cây gậy, chai lọ...ném trả vào lực lượng an ninh Hungary. Ít nhất 14 cảnh sát và nhiều người di cư đã bị thương. Một số trẻ em thất lạc cha mẹ đã được đưa tới khu vực dành cho người tị nạn gần biên giới. Tối cùng ngày, Hungary đã điều 3 xe quân sự tới hiện trường để giải quyết tình hình.
Việc Hungary tuyên bố tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới với Serbia và xây thêm tường rào trên khu biên giới với Romania và Croatia đang khiến cho dòng người di cư chuyển hướng về quốc gia láng giềng như Croatia. Bộ Nội vụ Croatia thông báo riêng trong ngày 16/9 đã có gần 1.200 người di cư đến nước này. Trong khi đó, Slovenia cũng đã phải chuẩn bị các phương án siết chặt các biện pháp an ninh biên giới với Croatia ngay sau khi Thủ tướng Croatia Zoran Minanovic tuyên bố sẽ mở cửa cho phép người di cư tự do đi qua lãnh thổ nước này trong khi cảnh sát Slovenia cũng đã huy động lực lượng tới biên giới với Hungary.