Chỉ có một Ukraine "có chủ quyền và độc lập" mới có thể là thành viên của Tổ chức Bắc Đại Tây Dương do Mỹ lãnh đạo - Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết khi phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 18/2.
Đài RT (Nga) dẫn lời Tổng thư ký Jens Stoltenberg ngày 18/2 cho biết Ukraine phải "thắng thế với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền" trước khi có thể chính thức gia nhập NATO, mặc dù Kiev đã tự coi mình là một thành viên không chính thức của khối quân sự phương Tây này.
Phát biểu tại một hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich, ông Stoltenberg nói: “Quan điểm của NATO về tư cách thành viên của Ukraine là không thay đổi. Chúng tôi đã đồng ý vào năm 2008 rằng Ukraine sẽ trở thành một thành viên của liên minh và đó vẫn là lập trường của chúng tôi.”
“Tất nhiên, điều quan trọng bây giờ là đảm bảo rằng Ukraine thắng thế với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Bởi vì nếu không có Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, thì sẽ không có cách nào để thảo luận về bất kỳ mối quan hệ nào giữa NATO và Ukraine trong tương lai", ông Stoltenberg nêu rõ, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc thảo luận này sẽ diễn ra khi cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine được giải quyết.
Các nhà lãnh đạo thế giới đang nhóm họp tại Hội nghị An ninh Munich trong bối cảnh xung đột vẫn đang diễn ra ác liệt gần tròn một năm qua ở Ukraine. Hàng chục nhân vật cấp cao tham dự hội nghị, trong đó có Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị.
Các đồng minh, dẫn đầu là Mỹ, đã gửi hàng tỷ USD vũ khí cho Kiev, từ pháo binh đến hệ thống phòng không, nhưng chính phủ Ukraine nói rằng họ cần nhiều hơn nữa để khởi động một cuộc phản công thành công.
Trong ngày thứ hai ở Munich, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev, nói rằng đó là cách duy nhất để chống lại Moskva. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cũng kêu gọi tăng cường hỗ trợ quân sự trong các lĩnh vực như cung cấp đạn dược: “Chúng ta phải tăng gấp đôi và chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ thực sự lớn cần thiết".
NATO từ lâu đã khẳng định rằng tất cả các thành viên tương lai sẽ phải giải quyết các tranh chấp quốc tế, lãnh thổ hoặc sắc tộc còn tồn tại một cách hòa bình trước khi gia nhập liên minh.
Quân đội Ukraine hiện đang được huấn luyện ở nhiều quốc gia NATO và các thành viên của khối này cung cấp cho Kiev vũ khí và thông tin tình báo. Đầu tháng 2 này, ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng các nước NATO đã cung cấp viện trợ tài chính và quân sự trị giá khoảng 120 tỷ USD cho Ukraine. Trong phát biểu ngày 18/2, Tổng thư ký NATO cam kết rằng sự hỗ trợ này sẽ tiếp tục vô thời hạn, ngay cả khi có nguy cơ “gây leo thang” xung đột.
Trong khi tư cách thành viên chính thức của NATO cho đến nay vẫn nằm ngoài tầm với của Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov đã phát biểu với đài BBC (Anh) vào tháng trước rằng đất nước của ông đã trở thành thành viên NATO “trên thực tế” và “trong tương lai gần, sẽ trở thành thành viên của NATO".
Việc Ukraine gia nhập NATO có khả năng sẽ khiến nhiều vùng lãnh thổ Nga nằm trong tầm tấn công của các tên lửa tầm trung của khối, và do đó Điện Kremlin coi đây là mối đe dọa an ninh quốc gia không thể chấp nhận được. Khi đó, bất kỳ cuộc xung đột Nga-Ukraine nào trong tương lai cũng sẽ kéo phần còn lại của liên minh vào cuộc chiến công khai với Moskva.
“Phi quân sự hóa” Ukraine và Ukraine trở thành quốc gia trung lập là hai mục tiêu được Nga viện dẫn khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này một năm trước.