Theo đài RT (Nga), trước hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày ở Litva, ông Stoltenberg tuyên bố các nhà lãnh đạo NATO sẽ “gửi một tín hiệu rõ ràng và tích cực” tới Kiev về mong muốn gia nhập liên minh quân sự này. Ông cho rằng Ukraine sẽ có khả năng được bỏ qua một bước trong lộ trình gia nhập khối.
Ông đề xuất các quốc gia thành viên “xoá bỏ yêu cầu Kiev phải thực hiện Kế hoạch Hành động để đạt tư cách thành viên (MAP)”, một bước trong quy trình gia nhập liên minh quân sự này.
“Điều này sẽ thay đổi lộ trình gia nhập khối, từ quy trình 2 bước thành quy trình 1 bước”, ông giải thích trong cuộc họp báo ngày 11/7.
Theo người đứng đầu NATO, vượt qua MAP là một trong ba yếu tố trong chương trình nhiều năm được đề xuất cho Ukraine. Một vấn đề khác đó là Ukraine phải xích lại gần tổ chức quân sự do Mỹ đứng đầu, bằng cách đảm bảo “khả năng tương tác đầy đủ giữa lực lượng Ukraine và lực lượng NATO”, nghĩa là Kiev sẽ chủ yếu sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất.
Kiev cũng sẽ gắn bó với NATO về mặt chính trị thông qua hội đồng Ukraine - NATO mới. Cuộc họp khai mạc của hội đồng này sẽ được tổ chức vào ngày 12/7. Ông Stoltenberg cho biết sự kiện này sẽ có sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Phát biểu với truyền thông trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc ở Litva sáng ngày11/7, Tổng thư ký NATO cũng cho biết các đồng minh đã trao đổi tích cực nhằm hoàn thiện tuyên bố chung cuối cùng cho hội nghị. Ông tin rằng thông cáo sẽ phát đi thông điệp tích cực về con đường gia nhập NATO của Ukraine.
“Các bạn sẽ thấy thông điệp này sau vài tiếng nữa bởi vì chúng tôi đang hoàn tất thông cáo. Tôi đã nói về một số điều mà tôi tin rằng sẽ được đưa vào thông cáo, nhưng quyết định cuối cùng phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo”, ông Stoltenberg nói.“Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng chúng ta sẽ có sự thống nhất và có thông điệp mạnh mẽ về Ukraine”.
Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bày tỏ mong muốn nhận được “lời mời” gia nhập NATO trong hội nghị thượng đỉnh của liên minh. Tuy nhiên, nhiều thành viên của khối cho biết họ không thể chấp thuận kết nạp Kiev ít nhất cho đến khi xung đột với Nga kết thúc. Trong đó, giới chức Đức đã từ chối đưa ra bất kỳ đảm bảo nào cho Ukraine về tư cách thành viên trong tương lai, do lo ngại động thái này có thể gây xung đột trực tiếp với Nga.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói với CNN rằng Ukraine chưa sẵn sàng gia nhập NATO.
“Tôi nghĩ chúng ta phải vạch ra một con đường hợp lý để Ukraine có thể đủ điều kiện gia nhập NATO,” ông Biden nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc bỏ phiếu về vấn đề này là “quá sớm”.
Ý tưởng về hội đồng Ukraine - NATO đã được được truyền thông phương Tây đưa tin trước hội nghị thượng đỉnh. Vào cuối những năm 1990, một cơ quan tương tự đã được thành lập với sự tham gia của Nga, khi NATO tìm cách xoa dịu những lo ngại của Moskva về việc mở rộng hoạt động ở châu Âu.
Người chủ trì hội nghị, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, kêu gọi các quốc gia thành viên thừa nhận rằng hiệp ước với Nga đã không còn tồn tại.
NATO lần đầu hứa hẹn sẽ kết nạp Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest hồi năm 2008. Vào thời điểm đó, Moskva cảnh báo rằng động thái này sẽ vượt qua lằn ranh đỏ, vì việc mở rộng khối quân sự do Mỹ dẫn đầu về phía biên giới của Nga là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Nga đã cố gắng đàm phán để đảo ngược một phần bước tiến của NATO vào năm 2021, một năm trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, nhưng đề xuất này đã bị Mỹ và các đồng minh bác bỏ.
Mới đây, hôm 3/7, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moskva bị “đe dọa” bởi khả năng Ukraine gia nhập NATO. Ông cho biết Nga luôn yêu cầu duy nhất một điều - chú ý đến các mối quan ngại của Moskva và không mời các vùng lãnh thổ cũ của đất nước gia nhập NATO
“Đặc biệt là với những nước mà chúng tôi có tranh chấp lãnh thổ. Do đó, mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản - loại bỏ mối đe dọa về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO”, ông Medvedev nói.