Quyết định tuyển thêm binh sĩ được cho là càng khiến Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valerii Zaluzhni xa cách với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Tướng Zaluzhni hôm 26/12 thậm chí đã công khai chỉ trích chiến lược của chính phủ nhằm huy động thêm quân cho cuộc xung đột với Nga. “Tôi không hài lòng với công việc của [văn phòng tuyển dụng]”, ông Zaluzhni nói trong một cuộc họp báo hiếm hoi ở Kiev.
Theo tờ El Pais (Tây Ban Nha), cuộc xung đột tại Ukraine đã trở thành một trận chiến tiêu hao, và khi cuộc chiến bước sang năm thứ ba, không có nhiều người Ukraine muốn ra tiền tuyến. Trong khi đó, tại Nga, Điện Kremlin đã ra lệnh nâng số lượng quân nhân tối đa lên 2,2 triệu.
Ngày 26/12, Tổng tư lệnh Valerii Zaluzhni đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi xung đột với Nga bắt đầu tháng 2/2022. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh có những tin đồn về việc ông sắp rời vị trí sau khi các đồng minh chính trị của Tổng thống Zelensky cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về những thất bại của quân đội Ukraine.
Trong cuộc họp báo nói trên, vị Tổng tư lệnh cũng đã làm rõ một số vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị, vào thời điểm quân đội đang gặp khó khăn trong việc thu hút người Ukraine nhập ngũ. Tướng Zaluzhni nói: “Cùng với Bộ Quốc phòng, chúng tôi thống nhất con số 36 tháng, hy vọng hai điều. Đầu tiên là sẽ không có sự leo thang ở phía trước. Và thứ hai cũng là quan trọng nhất, là những người này sẽ được thay thế sau 36 tháng". Ông nói thêm: "Tôi hy vọng trong 36 tháng nữa chúng ta có thể giải quyết được nhiệm vụ thay thế những người đang thực sự làm công việc của mình trong điều kiện vô cùng khó khăn. Và tất nhiên, tôi đồng ý rằng sau khi xuất ngũ, họ cần một thời gian để nghỉ ngơi".
Ngoài việc chỉ trích kế hoạch tuyển quân, Tướng Zaluzhni còn bày tỏ quan ngại về tình hình ở Ukraine. Người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Ukraine thừa nhận ông đã sai lầm khi tin rằng thương vong mà Ukraine gây ra cho binh sĩ Nga sẽ là một vấn đề đối với Moskva.
Đây là lần thứ hai ông Zaluzhni và Tổng thống Zelensky tỏ ra bất đồng trước công chúng. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 với tờ The Economist, vị tướng này thừa nhận rằng tình hình đã đi đến bế tắc, rằng Ukraine đang rất khó tiến lên và cuộc phản công đã sụp đổ. Ông cũng chỉ trích tốc độ tuyển quân là quá chậm.
Trong khi đó, Chính phủ Ukraine đã chỉ trích Tổng tư lệnh Zaluzhni vì những phát biểu của ông. Tuần trước, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng ông Zaluzhni cũng phải chịu trách nhiệm về kết quả trên chiến trường.
Bất đồng mới nhất xảy ra sau khi đại diện của Tổng thống Zelensky trình bày trước Rada (Quốc hội Ukraine) một sắc lệnh nhằm tăng số lượng binh sĩ trong quân đội. Dự thảo luật - sẽ được tranh luận và sửa đổi - mở rộng các điều kiện của nam giới có thể được gọi nhập ngũ và giảm độ tuổi tối thiểu của người lính nghĩa vụ từ 27 xuống 25. Luật này chỉ áp dụng cho nam giới vì phụ nữ nhập ngũ tự nguyện.
Tuần trước, tại cuộc họp báo thường niên đánh giá tình hình trong nước, ông Zelensky nói rằng quân đội đang tìm cách huy động từ 450.000 đến 500.000 tân binh, nhưng nhấn mạnh rằng vấn đề này cần phải bàn luận thêm. Tuy nhiên, Tướng Zaluzhni hôm 26/12 cho biết con số này chỉ thể hiện một kế hoạch chung và sẽ được thực hiện dần dần.
“Tôi không thể nói có bao nhiêu: đó là bí mật quân sự”, vị tướng nói trong cuộc họp được phát trên truyền hình, và chỉ nêu chi tiết rằng con số này sẽ tính đến “việc bù đắp tổn thất, huấn luyện các đơn vị mới và thay thế những tổn thất có thể xảy ra vào năm tới”.
Tướng Zaluzhni cũng nói rằng ông sẽ để chính phủ quyết định việc tuyển dụng người Ukraine ở nước ngoài - một ý tưởng được Bộ Quốc phòng Ukraine xem xét.
Đối với Ukraine, việc tăng cường nhân lực quân sự là ưu tiên hàng đầu. Kiev chưa công khai lực lượng của mình có bao nhiêu quân - được tạo thành từ nhiều đơn vị - nhưng các chuyên gia ước tính rằng họ có thể có có một triệu quân vào thời điểm bắt đầu chiến sự. Nhưng kể từ đó, quân đội Ukraine liên tục chịu thương vong.
Nếu như trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, người Ukraine đổ xô nhập ngũ thì ngày nay rất ít người háo hức tham gia. Ở hầu hết các thành phố xa chiến trường, chiến tranh không có tác động tương tự như thời kỳ đầu. Hơn nữa, các vụ bê bối trong các quan chức tuyển dụng, với hiện tượng nhận hối lộ để đổi lấy việc miễn nghĩa vụ cho người dân, đã gây ra sự phẫn nộ trên diện rộng, khiến việc tăng cấp bậc trong quân đội càng trở nên khó khăn hơn.
Ở mặt trận Donbas, miền Đông Ukraine, đại đa số binh sĩ đã không được nghỉ phép trở về nhà trong nhiều tháng. Nhiều người rơi vào tình trạng kiệt sức. Kostya, một lính lái xe tăng mặt trận Bakhmut, thừa nhận: “Mọi việc trở nên rất khó khăn, sự mệt mỏi về thể chất và tinh thần đôi khi đến choáng ngợp”.
Trong khi đó, Nga vẫn đang củng cố, hoàn thiện hệ thống phòng thủ vững chắc và tiếp tục triển khai các đợt quân chống lại phòng tuyến của Ukraine nhằm tiến thêm dù chỉ vài mét.
Giới chức Kiev lập luận rằng chỉ với những vũ khí mới, mạnh hơn và công nghệ vượt trội hơn do các đồng minh gửi đến thì nước này mới có thể xoay chuyển được tình thế cuộc chiến.
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) - vốn đang hy vọng phê duyệt gói viện trợ đặc biệt trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD) để giúp Ukraine – lại đang gặp khó khăn trong sản xuất đủ đạn dược để đáp ứng nhu cầu của Kiev. Hơn nữa, vũ khí do các nước EU gửi tới Ukraine chỉ mới đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của nước này. Mỹ cũng ở trong tình trạng tương tự. Khoản viện trợ trị giá 61,4 tỷ USD của Washington dành cho viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine đang bị chặn do đấu đá nội bộ, phần lớn trong nội bộ Đảng Cộng hòa.