Toshiba cho biết ban giám đốc đang tiến hành thảo luận với các quỹ đầu tư tư nhân và các nhà đầu tư khác nhằm tìm kiếm các phương án tiềm năng. Bên cạnh đó, một ủy ban đặc biệt mới thành lập cũng sẽ phân tích và nghiên cứu tìm ra đề xuất tư nhân hóa mang lại lợi ích tốt nhất cho các bên liên quan và báo cáo lại trước khi diễn ra đại hội cổ đông thường niên vào tháng 6. Ban giám đốc cũng sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh mới và công bố trước đại hội cổ đông sắp tới.
Quyết định trên được đưa ra sau khi phần lớn cổ đông tham gia vào một cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3, theo đó phản đối kế hoạch tách Toshiba thành hai công ty. Đây là thách thức mới nhất mà Toshiba phải đương đầu trong bối cảnh biểu tượng công nghệ một thời của Nhật Bản trong những năm gần đây phải đối mặt hàng loạt thách thức và biến động, từ những bê bối tài chính cho đến việc các lãnh đạo bất ngờ từ chức.
Kế hoạch chia tách thành 2 công ty đã được điều chỉnh so với đề xuất ban đầu chia thành 3 công ty. Nhiều cổ đông lớn cho rằng việc chia tách chỉ gây thêm rủi ro trong quá trình điều hành vì sẽ cần nhiều vị trí quản lý ở đơn vị nhỏ hơn, thay vì tập trung nguồn lực cải thiện khả năng quản trị chung. Trong khi đó, một số cổ đông khác lại muốn mua lại và tiếp quản tập đoàn này, trong đó có công ty đầu tư của Mỹ Bain Capital.
Trong những tháng gần đây, nhiều tập đoàn đa quốc gia khác như General Electric và Johnson & Johnson cũng đã công bố các kế hoạch tách thành nhiều công ty. Các chuyên gia cho rằng các kế hoạch trên phần lớn là do tác động của các thị trường tài chính. Việc chia nhỏ có thể là một cách để các tập đoàn lớn tạo ra nhiều giá trị hơn khi giá cổ phiếu tăng mạnh, như trong thời kỳ thị trường tăng mạnh khi dịch COVID-19 lắng dịu vào năm ngoái.