“Khoản tiết kiệm của tôi đã cạn sạch. Tôi chẳng có thể làm được gì”, ông Scott Willoughby (63 tuổi) – một cựu binh Lục quân sống tại ngoại ô Dallas – chia sẻ với báo New York Times rằng số tiền tiết kiệm của mình nếu để trả cho hóa đơn điện lên tới 16.572 USD thì tài khoản sẽ trống không. Hóa đơn tháng này của ông Scott được cho là gấp 70 lần so với mức tiền điện ông chi trả trung bình.
Ông Scott là một trong số nhiều người dân Texas đang phải hứng chịu những khoản nợ khổng lồ từ hóa đơn tiền điện tăng vọt do nhu cầu sử dụng cao trong trận bão tuyết vừa qua. Đối với những khách hàng lựa chọn tính hóa đơn theo giá điện không cố định và thay vào đó là giá biến động theo thị trường, mức tăng này gần như là cú sốc đối với họ.
Chứng kiến làn sóng phản đối về cách tính giá điện từ phía người dân, Thống đốc bang Texas ông Greg Abbott ngày 27/2 đã tổ chức một cuộc họp khẩn với các nhà lập pháp để thảo luận về vấn đề này.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp, Thống đốc Abbott khẳng định: “Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ người dân Texas trước sự gia tăng đột biến trong hóa đơn điện do thời tiết mùa Đông khắc nghiệt và tình trạng mất điện”. Ông nói thêm rằng các thành viên của hai đảng sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo người dân không bị mắc kẹt với các hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Hóa đơn tiền điện cao ngất ngưởng ở Texas được coi như là một phần kết quả của chính sách kiểm soát năng lượng “không giống ai” của bang. Là một phần của chính sách “điều tiết năng lượng” bang, người dân có thể lựa chọn tính tiền điện theo giá cố định hoặc họ có thể mua điện thông qua các nhà cung cấp bán buôn điện theo giá thị trường.
Chính sách này cho phép khách hàng lựa chọn nhà cung cấp điện trong số 220 nhà bán lẻ hoạt động theo hệ thống tính giá điện theo giá thị trường.
Trong một số kịch bản, khi nhu cầu dùng điện tăng, giá điện sẽ tăng theo. Những người đứng sau hệ thống tính tiền điện theo giá thị trường giải thích mục tiêu của hệ thống này là cân bằng thị trường bằng cách khuyến khích người tiêu dùng giảm mức sử dụng để tạo ra nhiều điện hơn.
Nhưng khi thảm họa bão tuyết bất ngờ xảy ra vào tuần trước và khiến mạng lưới điện bị đình trệ, Ủy ban Tiện ích Công cộng Texas đã yêu cầu nâng giới hạn giá lên mức giới hạn tối đa là 9 USD/kilowatt, đẩy chi phí tiêu dùng điện hàng ngày của nhiều khách hàng vượt quá 100 USD. Và trong một số trường hợp, như của ông Scott, hóa đơn tăng 70 lần so với mức phí thông thường.
Ông Scott là khách hàng của Griddy, một công ty nhỏ ở Houston chuyên cung cấp điện với giá bán buôn và thay đổi dựa trên cung cầu. Công ty này bình thường bán điện trực tiếp cho khách hàng với giá buôn và cộng với thêm phí hàng tháng 9,99 USD. Nếu trong điều kiện thời tiết ổn định, tỷ lệ này được cho là phù hợp với hầu hết người dân.
Katrina Tanner, một khách hàng của Griddy sống ở Nevada, cho biết cô hóa đơn tiền điện trong tháng này là 6.200 USD, gấp hơn 5 lần số tiền cô phải trả trong cả năm 2020. Cô bắt đầu dùng dịch vụ của Griddy theo gợi ý của một người bạn cách đây vài năm và cảm thấy hài lòng vào thời điểm đó với cách đăng ký đơn giản.
Tuy nhiên, khi bão tuyết ập đến trong tuần qua, cứ mỗi lần mở ứng dụng của công ty trên điện thoại, hóa đơn điện của cô cứ “tăng, tăng nữa, tăng mãi”. Griddy trừ số tiền trực tiếp từ tài khoản tín dụng của Tanner và giờ cô chỉ còn lại 200 USD.
Theo Griddy, phần lớn các hộ dân chứng kiến hóa đơn tiền điện tăng là hộ chọn tính giá điện theo thị trường. Họ chọn phương án này để có thể hưởng giá điện tương đối thấp trong dài hạn.
Joshua Rhodes, một nhà nghiên cứu về năng lượng tại Đại học Texas, nhận định: “Điều đáng buồn là mọi người có thể không hiểu rõ rủi ro khi lựa chọn phương án trả tiền điện theo giá thị trường. Chúng ta không giỏi trong việc đánh giá rủi ro trong những sự kiện bất thường như thảm họa vừa qua”.