Theo báo cáo, nhiệt độ toàn cầu trong tháng 7 cao hơn 2,18 độ F (1,21 độ C) so với mức trung bình của thế kỷ 20 là 60,4 độ F (15,8 độ C). Mức tăng này đã góp phần gây ra các đợt nắng nóng đáng kể ở các khu vực Địa Trung Hải và Vùng Vịnh, với châu Phi, châu Âu và châu Á trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, trong khi Bắc Mỹ ghi nhận tháng nắng nóng thứ hai. NOAA cho biết, hiện có 77% khả năng năm 2024 sẽ là năm ấm nhất từ trước đến nay.
Dữ liệu của NOAA lại trái ngược với dữ liệu của Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus (C3S), vốn cho rằng nhiệt độ trung bình trong tháng 7/2024 thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cả hai cơ quan đều đồng ý về xu hướng đáng báo động của nhiệt độ liên tục phá kỷ lục trước đây.
Cả NOAA và C3S đều ghi nhận nhiệt độ đại dương vào tháng 7 là nhiệt độ ấm thứ hai trong lịch sử. Các nhà khoa học tại C3S cũng chỉ ra rằng nhiệt độ đại dương vẫn cao bất thường ở nhiều khu vực, mặc dù đã có sự chuyển đổi từ kiểu thời tiết El Nino - dẫn đến tăng nhiệt độ toàn cầu - sang La Nina, vốn có tác dụng làm mát.
Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã bắt đầu từ trước năm 2023 và kéo dài cho đến khi lượng khí thải nhà kính toàn cầu đạt mức bằng không.