Trước trận động đất kinh hoàng tháng 3/2011, ông Kusano, năm nay 74 tuổi, có một nông trại trồng lê rộng 40 ha. Tuy nhiên, trận động đất đã phá hủy tất cả. Dẫn tôi đi thăm nông trại, ông kể: “Sau thảm họa, nhiều người đã rời khỏi Iwaki do sợ nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm bám trụ trên chính mảnh đất quê hương”.
Không gục ngã trước những cú sốc mà thảm họa đó gây ra, ông bắt đầu khôi phục lại nông trại của mình. Sau khi được chính quyền hỗ trợ bóc lớp đất ở phía trên và khử xạ các khu vực xung quanh, ông đã bắt tay vào khôi phục vườn lê. Dù ở cái tuổi mà ở Việt Nam được coi là “gần đất xa trời”, nhưng hằng ngày, người đàn ông 74 tuổi này vẫn cần mẫn lao động, chăm chút cho những cây lê trong nông trại của mình. Với kinh nghiệm trồng lê lâu năm, ông hầu như không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc khôi phục nông trại của mình. Vào cuối năm 2019, ông đã khôi phục được 24 ha trồng lê.
Tuy nhiên, khó khăn lại xuất hiện khi các cây lê bắt đầu kết trái. Đến mùa thu hoạch, ông Kusano không thể bán các sản phẩm của mình bởi vì nhiều người vẫn lo ngại về độ an toàn của nông sản trồng ở Iwaki nói riêng và tỉnh Fukushima nói chung. Ông Kusano nói: "Trong vòng 4-5 năm đầu sau thảm họa, tôi không thể tiêu thụ được sản phẩm. Tôi đã gửi email cho các khách hàng nhưng họ đều từ chối. Nhiều người chưa đến đây nên không hiểu rõ tình hình thực tế. Vì vậy, nỗi lo phóng xạ gây thiệt hại còn lớn hơn so với thiệt hại mà động đất gây ra”.
Trên thực tế, không chỉ ở Nhật Bản, sau sự cố hạt nhân Fukushima, người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới cũng lo ngại về độ an toàn của nông sản ở tỉnh này. Đây là một điều dễ hiểu vì Iwaki chỉ cách Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) khoảng 50 km. Nhà máy này đã gặp sự cố liên tiếp sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, dẫn tới việc rò rỉ phóng xạ.
Mặc dù vậy, ông Yasunori Oshima, Phó phòng Đối ngoại của chính quyền tỉnh Fukushima khẳng định hiện nay, nồng độ phóng xạ trong không khí ở nhiều khu vực thuộc tỉnh này đã giảm xuống gần mức tương đương trước khi xảy ra các sự cố ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. Các số liệu của Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JNTO) cho thấy nồng độ phóng xạ ở Iwaki đã giảm từ 0,66mSv/giờ vào tháng 4/2011 xuống còn 0,06 mSv/giờ vào tháng 3/2019, tương đương mức trước khi xảy ra sự cố hạt nhân.
Những thất bại ban đầu không khiến ông Kusano nản chí. Ông tiếp tục liên lạc với các khách hàng tiềm năng, đồng thời đem sản phẩm đi kiểm định ở trung tâm công nghệ nông nghiệp để xác nhận độ an toàn. Và cuối cùng, những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng. Những quả lê thu hoạch từ nông trại của ông Kusano đã được chứng nhận là đảm bảo an toàn thực phẩm và được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) hỗ trợ tiêu thụ.
Ông Kusano cho biết hằng năm, cứ mỗi khi đến vụ thu hoạch, ông lấy 1 kg trong 1 tấn sản phẩm để đem đi kiểm định an toàn phóng xạ. Vì vậy, các sản phẩm được bán ra thị trường đều đáp ứng những yêu cầu về an toàn thực phẩm. Người nông dân cao tuổi chia sẻ quả lê Iwaki có thịt mềm và hàm lượng đường cao, độ axit vừa phải, nên được người tiêu dùng ưa chuộng và có giá bán cao hơn so với các sản phẩm cùng loại của Hàn Quốc. Hiện nay, sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ ở trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Đặc biệt, tại thị trường Việt Nam, quả lê của nông trại Kusano đã được bán tại hệ thống các siêu thị của AEON từ năm 2017.
Ông Kusana nói: "Giá lê Nhật Bản vẫn hơi đắt đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường đầy tiềm năng đối với nông trại”. Ông Kusano bày tỏ hy vọng rằng kim ngạch xuất khẩu lê sang thị trường Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới cũng như sang các thị trường khác ở châu Á như Singapore và Malaysia.
Tôi cảm nhận rất rõ sự tự tin và quả quyết trong giọng nói của ông Kusano. Và tôi tin rằng người nông dân đầy nghị lực này sẽ hoàn thành ước vọng đó.