Theo trang Oddity Central (Anh), trong xã hội phát triển như hiện nay, “chủ nghĩa tiêu dùng” ngày càng lên ngôi và ở mức cao nhất mọi thời đại, nhưng xu hướng sống tối giản cũng đang trở nên phổ biến. Tại nền kinh thế lớn thứ 2 thế giới, hàng trăm nghin người đã chia sẻ “mẹo tiết kiệm tiền” trong các nhóm riêng tư trên mạng xã hội và một số thành viên đã trở thành những người tạo ảnh hưởng nhờ lối sống tiết kiệm của mình.
Một trong số đó là Wang Shenai, một phụ nữ 32 tuổi sống tại Nam Kinh, quản trị viên của nhóm "Những người tiết kiệm" có 400.000 thành viên. Wang đã trở nên nổi tiếng nhờ khả năng tiết kiệm tiền vô cùng hiệu quả của mình. Tuy nhiên, lối sống của cô lại gây tranh cãi mạnh mẽ trong cộng đồng mạng sau một cuộc phỏng vấn thu hút hàng trăm triệu lượt xem.
Wang Shenai đã tham gia chương trình “Talking to Strangers” trên nền tảng truyền thông xã hội QQ của Tencent Video, thảo luận về các mẹo tiết kiệm tiền và quan điểm của cô về chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa tối giản. Người phụ nữ 32 tuổi chia sẻ cô lớn lên trong nghèo khó và gia đình cô luôn cố gắng tiết kiệm hết mức có thể. Mẹ cô luôn để số tiền tiết kiệm được trong tủ lạnh, và bất cứ khi nào bà cho cô khoản tiền lẻ nhỏ, bà sẽ ném những đồng xu xuống đất để dạy cô rằng tiền rất khó kiếm được. Những ký ức này đã in sâu trong tâm trí cô đến khi trưởng thành.
Lớn lên trong một ngôi nhà nhỏ lụp xụp. Do đó, ngay khi có việc làm, cô bắt đầu tiết kiệm với hy vọng có thể sở hữu một căn nhà. Trong khi hầu hết mọi người đều cảm thấy hạnh phúc khi họ tiêu tiền để mua những thứ đem lại niềm vui cho mình, Wang nói rằng cô chỉ cảm thấy hạnh phúc khi tiết kiệm tiền. Tiêu tiền khiến cô cảm thấy lo lắng và dễ bị tổn thương, trong khi tiết kiệm lại mang đến cho cô ấy cảm giác an toàn.
Suốt 9 năm qua, Wang và chồng cô đã tiết kiệm khoảng 90% thu nhập hàng tháng của họ, mặc dù phải nuôi 2 con nhỏ. Nhờ khoản tiết kiệm này, họ đã mua được 2 căn hộ ở khu đất vàng. Nhiều người cho rằng để có được thành quả này, cô đã hy sinh rất nhiều, song người phụ nữ 32 tuổi không coi là như vậy.
Wang cho biết việc có được 2 căn hộ mang lại cho cô cảm giác an toàn và là nơi cô có thể dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm: “Tôi nghĩ phụ nữ rất cần có một căn nhà, lớn hay nhỏ đều được, bởi khi gặp thất bại, nhà là nơi có thể quay về”.
Wang không ngại sử dụng những thứ đã qua sử dụng nếu điều đó có thể giúp cô tiết tiết kiệm được một khoản tiền. Cô chỉ chi một khoản tiền nhỏ để mua đồ lót mỗi năm, chỉ xin đồ cũ mặc và không bao giờ tiệc tùng.
“Tôi chi chưa đến 100 nhân dân tệ (khoảng 350 nghìn đồng) mỗi năm để mua đồ lót vì mặc đồ lót đã qua sử dụng của người khác không phải là ý kiến hay. Nhưng tôi có một người bạn thích mua quần áo, và cô ấy sẽ cho tôi khi chỉ mới mặc vài lần hoặc chưa từng mặc. Cô bạn ấy luôn bảo tôi chọn lấy thứ mình thích từ đống đồ cũ”, Wang chia sẻ.
Wang cho biết thêm rằng cô không bao giờ tham gia các bữa tiệc vì chúng rất tốn kém. Cô cũng chỉ sử dụng phương tiện giao thông công cộng và cố gắng trả càng ít càng tốt bằng cách sử dụng các phiếu giảm giá săn lùng trên mạng. Cô cũng chưa bao giờ nghĩ tới việc mua đồ xa xỉ.
Wang cho biết lối sống của cô cũng đã ảnh hưởng đến chồng. Anh chỉ sử dụng điện thoại di động đã lỗi thời đến mức chỉ có đủ bộ nhớ để chạy WeChat, một ứng dụng gần như bắt buộc trong cuộc sống hiện đại của Trung Quốc.
Wang cho biết sau khi làm việc tại một công ty quảng cáo và tiếp thị, cô biết được rằng các thương hiệu luôn cố gắng đánh vào tâm lý người tiêu dùng, đủ để khiến họ bỏ tiền ra mua thứ gì mà được quảng bá là tốt hơn. Cô đưa ra ví dụ về những cô gái trẻ bắt đầu bằng việc mua những nhãn hiệu mỹ phẩm bình dân, theo thời gian họ sẽ có yêu cầu chất lượng ngày càng cao và chi tiêu của họ cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, cuối cùng họ phải trả tiền cho những món hàng mà họ thực sự không đủ khả năng chi trả, chỉ để cảm thấy thỏa mãn.
Lối sống tiết kiệm của Wang đã tạo ra làn sóng tranh luận dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người gọi cô là “keo kiệt” và thậm chí còn nói cô không bình thường.
“Cô ấy sống chi li như vậy vì cái gì? Vì để mặc quần áo cũ? Khi qua đời, người ta không thể mang theo thứ gì cả”, một người dùng Weibo bình luận.
Một người khác nói: “Các phương tiện truyền thông không nên cổ súy cho sự tằn tiện cực đoan của cô ấy. Nhiều người tiết kiệm cũng không đủ tiền mua nhà vì giá bất động sản cao một cách vô lý. Việc mua nhà vượt xa tầm tay của chúng tôi”.
Tuy nhiên, cô đã phản bác lại điều đó và nói rõ rằng cô chưa bao giờ khuyến khích bất cứ ai học theo cách sống của mình. Cô cho rằng mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống của riêng mình và tự do làm theo ý họ.
Bên cạnh những lời chỉ trích, người phụ nữ 32 tuổi cũng được nhiều thành viên trong nhóm "Những người tiết kiệm" coi là cố vấn. “Tôi đã nói với những người theo dõi tôi rằng những người trong nhóm này không keo kiệt, mà họ là những người rất coi trọng cuộc sống. Tiết kiệm không có gì phải xấu hổ”, cô nói.
Một người ủng hộ cách sống của Wang ca ngợi: “Cô ấy là người khôn ngoan, tránh được những cám dỗ trong xã hội đầy rẫy ham muốn vật chất như hiện nay. Cô ấy rất giỏi vì tự mua được nhà mà không dựa dẫm vào cha mẹ như nhiều đồng nghiệp khác”.
Theo một báo cáo từ Ngân hàng Trung Quốc, thế hệ trẻ ngày nay ở nước này có thể đóng góp 65% tăng trưởng tiêu dùng cho đất nước năm 2021. Báo cáo cho biết nhiều người dưới 35 tuổi thậm chí đang vay tiền để chi tiêu dùng cá nhân trong ngắn hạn.