Theo kênh Al Jazeera, người đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19 tại Anh là một cụ bà về hưu đã 90 tuổi. Tại Đức và Canada, trường hợp đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19 cũng là người cao tuổi.
Nhưng chính phủ Indonesia lại lựa chọn chiến thuật tiêm vaccine phòng COVID-19 hoàn toàn khác biệt. Từ 13/1 cho đến cuối tháng 3, tại Indonesia có 1,3 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu người lao động trong ngành dịch vụ công như cảnh sát, binh sĩ, giáo viên… được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 CoronaVac do công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) điều chế và sản xuất. Sau đó là những người trưởng thành trong độ tuổi lao động.
Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Nadia Wikeko nhận định với Al Jazeera: “Indonesia hướng tới độ tuổi từ 18-59 thay vì người cao tuổi bởi chúng tôi đã hoàn thành 3 giai đoạn thử nghiệm vaccine của Sinovac Biotech với nhóm tuổi này. Chúng tôi vẫn chờ đợi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) xem xét liệu vaccine COVID-19 có an toàn với công dân trên 60 tuổi không”.
Indonesia là một trong 6 quốc gia mà công ty Sinovac của Trung Quốc tiến hành thử nghiệm 3 giai đoạn vaccine CoronaVac. Đã có 1.620 tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm bắt đầu vào tháng 8/2020.
Dưới đây là video Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 13/1 (nguồn: RT):
Nhiều người dân Indonesia đã ủng hộ chiến lược này. Bà Putu (56 tuổi) chia sẻ: “Người cao tuổi Indonesia chủ yếu ở nhà, khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 của họ thấp hơn so với người trong độ tuổi lao động. Nếu giới trẻ được tiêm vaccine trước, họ có thể thăm người cao tuổi một cách an toàn”.
Nhưng các chuyên gia lại ngờ vực về điều này và cho rằng nhóm cần được tiêm vaccine đầu tiên là nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi.
Giáo sư Kim Mulholland tại Đại học Melbourne (Australia) phân tích: “Người cao tuổi đã tham gia thử nghiệm vaccine COVID-19 tại Trung Quốc, Trung Đông và có phản ứng hiệu quả tương tự người trẻ tuổi”.
Ông Mulholland bổ sung: “Nếu xem xét nghiên cứu của các quốc gia trên thế giới, bằng chứng cho thấy độ tuổi là yếu tố tác động đến tình trạng sức khỏe khi mắc COVID-19. Ngay cả khi Indonesia có dân số trẻ thì phẩn lớn người tử vong vì COVID-19 tại nước này là trên 60 tuổi”.
Dữ liệu từ Bộ Y tế Indonesia cho thấy người trên 60 tuổi chỉ chiếm 10% dân số Indonesia nhưng chiếm tới 39% số người tử vong vì COVID-19.
Người trưởng thành trong độ tuổi lao động được ưu tiên trong giai đoạn 2 tiêm chủng vaccine diện rộng tại Indonesia, với khoảng 181,5 triệu người, tương đương 67% dân số, trong 15 tháng.
Tháng 12/2020, Indonesia còn đặt hàng trăm triệu liều vaccine từ các nhà sản xuất AstraZeneca (Anh), Novavax (Mỹ) và Pfizer (Mỹ). Indonesia cũng tuyên bố kế hoạch điều chế và sản xuất vaccine COVID-19 của chính nước này từ giữa năm 2021.
Ông Ajib Hamdani tại Hiệp hội Doanh nhân trẻ Indonesia nhận xét: “Tại Indonesia, chúng tôi có dân số trong độ tuổi lao động lớn hơn so với các nước phát triển. Do vậy việc chính phủ ưu tiên nhóm này là đúng đắn. Nếu không duy trì sức khỏe của nhóm này thì sẽ có vấn đề lớn hơn với quốc gia về sau”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi thừa nhận vấn đề đầu tiên của dịch COVID-19 là sức khỏe, không phải kinh tế. Nhưng với chính sách tiêm vaccine này, chúng tôi có hy vọng rằng nó có thể giải quyết được hai vấn đề cùng một lúc”.
Nhà kinh tế học Fithra Faisal Hastiadi tại Đại học Indonesia kiêm người phát ngôn Bộ Thương mại nước này đồng quan điểm: “Khi đề cập đến y tế công cộng, bạn cũng nói đến kinh tế bởi y tế công cộng là một chức năng của kinh tế. Không có sự khác biệt thật sự giữa hai yếu tố”. Theo ông Hastiadi, chiến thuật tiêm vaccine này sẽ giúp đưa hàng triệu người Indonesia quay trở lại làm việc.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính tới ngày 13/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Indonesia là 858.403 trường hợp, trong đó có 24.951 người tử vong.